công chúng ta”. Thực ra, chẳng bao lâu, tờ báo chỉ đăng những mục rao
hàng các sản phẩm mới, “hết sức công hiệu” để đề phòng dịch hạch.
“Vào khoảng sáu giờ sáng, tất cả những số báo này bắt đầu được bán
cho những đám người xếp hàng dài trước các cửa hiệu hơn một tiếng khi
mở cửa, rồi trên những chuyến tàu điện chật ních người từ ngoại ô vào. Tàu
điện trở thành phương tiện giao thông duy nhất và chúng chạy ì à ì ạch,
người chen chúc trên các bậc lên xuống và lan can tàu đến muốn gãy tung
ra. Nhưng điều kỳ lạ là mọi người hết sức cố gắng quay lưng lại với nhau
để tránh lây lan. Đến các điểm đỗ, đàn ông, đàn bà ùa xuống, vội vã tránh
xa nhau và tách riêng ra. Thường xuyên xảy ra những cuộc huyên náo mà
nguyên nhân duy nhất là sự bực bõ - nay đã trở thành “kinh niên”.
“Sau mấy chuyến tàu điện đầu tiên, thành phố dần dần thức giấc,
những quán rượu đầu tiên mở cửa, trên quầy hàng treo biển: “Hết cà phê”,
“Mời khách tự mang đường đến” v.v… Rồi đến lượt các cửa hiệu tạp hóa,
phố xá trở nên tấp nập. Trời mỗi lúc một sáng và nắng làm cho bầu trời
tháng bảy đổ sang màu chì. Đấy là lúc những kẻ vô công rồi nghề lang
thang trên các đại lộ. Số đông hình như ra sức trừ khử dịch hạch bằng cách
phơi bày sự xa xỉ của họ. Ngày nào cũng vậy, vào khoảng mười một giờ,
người ta thấy nhởn nhơ trên những đường phố chính đám nam nữ thanh
niên muốn trưng diện: trong cơn tai họa, niềm say mê cuộc sống của họ
càng thêm dữ dội, Dịch bệnh lan rộng thì “đạo lý” cũng phát triển. Chúng ta
sẽ bắt gặp những cuộc chơi bời phóng dật kiểu thành phố Milăng bên cạnh
những nấm mồ.
“Buổi trưa, chỉ trong nháy mắt là các quán ăn chật ních. Ngoài cửa,
những người không có chỗ, tụ tập lại rất nhanh thành từng nhóm nhỏ. Vì
quá nắng nóng, bầu trời bắt đầu mất dần ánh sáng. Dưới bóng râm những
tấm mành to tướng, khách đến ăn đứng bên lề đường chói chang ánh mặt
trời, chờ đến lượt mình. Người ta ùa đến các quán ăn vì chúng giải quyết
gọn vấn đề tiếp tế.