- Ông Taru này, cái gì xui khiến ông quan tâm tới những cái đó?
- Tôi không rõ. Có lẽ là đạo lý của tôi.
- Đạo lý nào?
- Sự thông cảm.
Taru quay về phía ngôi nhà và mãi đến lúc hai người bước vào nhà ông
lão bị hen suyễn, Riơ mới nhìn thấy mặt anh.
Ngay ngày hôm sau, Taru bắt tay vào việc và tập hợp một kíp đầu tiên,
sau đó có nhiều kíp khác tiếp theo.
Người kể chuyện không có ý định cường điệu tầm quan trọng của
những tổ chức y tế này. Quả là vào địa vị anh ta, chắc hẳn ngày nay, nhiều
đồng bào chúng tôi không cưỡng lại được ý muốn quá đề cao vai trò của
chúng. Nhưng người kể chuyện nghĩ rằng nếu quá coi trọng những nghĩa cử
ấy thì cuối cùng sẽ gián tiếp và mạnh mẽ ca ngợi cái ác. Vì sẽ làm cho
người ta có quan niệm là những nghĩa cử ấy sở dĩ có giá trị lớn như vậy,
chẳng qua là vì hiếm thấy, còn độc ác và thờ ơ là những động cơ thường
gặp hơn nhiều trong hành vi con người. Người kể chuyện không đồng tình
với quan điểm đó. Cái ác trên đời này hầu như bao giờ cũng bắt nguồn từ sự
dốt nát, và thiện chí cũng có thể gây tổn thất như tà tâm nếu không được soi
đường. Người đời, thường tốt hơn là xấu và thực ra, vấn đề không phải là ở
đây. Nhưng ít nhiều người đời là dốt nát và chính cái đó là cái mà người ta
gọi là nết tốt hay tính xấu, và tính xấu tồi tệ nhất là của những kẻ dốt nát
nhưng lại cho là mình biết hết thảy và lúc đó tự cho phép mình chém giết.
Tâm hồn đứa giết người là một tâm hồn mù quáng, và sẽ không có lòng tốt
chân chính và tình yêu cao đẹp nếu không có toàn bộ sáng suốt cần thiết.
Vì vậy những tổ chức y tế như Taru mà thành lập được, phải được
đánh giá với một thái độ thỏa mãn khách quan. Và cũng vì vậy người kể
chuyện không ca ngợi quá nồng nhiệt ý chí và lòng dũng cảm mà chỉ cho là
chúng có một tầm quan trọng vừa phải. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục làm sử