- Vâng, ông đáp, chẳng sao đâu.
Ông nhớ lại là lúc đó một người phu quét rác đi qua, xách một cái
thùng đựng đầy chuột chết.
Chiều hôm ấy, vào đầu giờ khám, Riơ tiếp một người trẻ tuổi mà ông
được biết là nhà báo và buổi sáng đã đến tìm ông một lần. Anh ta tên là
Raymông Rămbe. Người thấp, vai hở, nét mặt cương nghị, mắt sáng và
thông minh, Rămbe mặc quần áo thể thao và có vẻ sống phong lưu. Anh đi
thẳng vào vấn đề. Một tờ báo lớn ở Pari giao cho anh điều tra về đời sống
của người Arập và anh muốn thu lượm tin tức về tình hình sức khỏe của họ.
Riơ cho biết tình hình không lấy gì làm tốt. Nhưng trước khi nói kỹ hơn,
ông muốn biết nhà báo có được phép nói sự thật không?
- Dĩ nhiên. Rămbe đáp.
- Tôi muốn nói là ông có thể thẳng tay chỉ trích không?
- Thẳng tay thì không, phải nói rõ như thế. Nhưng tôi cho rằng chỉ
trích như thế sẽ không có cơ sở.
Riơ dịu dàng đáp là quả vậy, một sự chỉ trích như thế thì không có cơ
sở, nhưng đặt câu hỏi như trên, ông chỉ muốn biết trong khi xác nhận sự
thật, Rămbe có phải dè chừng gì không.
- Tôi chỉ chấp nhận những lời xác nhận không phải dè chừng. Vì vậy
tôi sẽ không dùng thông tin của mình để làm chỗ dựa cho lời xác nhận của
ông đâu.
- Ông nói chẳng khác nào Xanh-Giuyx
[1]
, tay nhà báo mỉm cười đáp.
Không nâng cao giọng, Riơ bảo là ông không hay biết gì về lời lẽ
Xanh-Giuyx, nhưng lời lẽ của ông là lời lẽ của một người đã chán ngán cái
xã hội mình đang sống, tuy ông yêu đồng loại và quyết không chấp nhận
bất công và nhượng bộ. Rămbe rụt cổ nhìn ông:
- Tôi nghĩ là tôi đã hiểu ông, cuối cùng anh nói và đứng dậy.
Bác sĩ tiễn anh ra cửa: