thân màu nâu bóng loáng. Rămbe đi lui đi tới, không nói nửa lời. Bỗng
nhiên, lúc bốn giờ chiều, anh mặc quần áo ra đi.
- Cẩn thận, Marxen lên tiếng, đúng nửa đêm mới khởi hành được. Đâu
vào đấy cả rồi.
Rămbe đến nhà bác sĩ Riơ. Bà cụ Riơ bảo anh là bác sĩ đang ở bệnh
viện thành phố trên. Trước trạm gác, đám đông quanh quẩn mãi. “Đi đi!”
một viên đội xếp, mắt lồi, bảo bà con. Người ta đi, nhưng vẫn đi vòng tròn.
“Chẳng có việc gì phải chờ đợi cả”, viên đội, áo bắt đầu ướt đẫm mồ hôi,
nói tiếp. Đám đông cũng nghĩ như vậy nhưng vẫn ở lại, mặc dù trời nắng
như thiêu như đốt. Rămbe xuất trình giấy thông hành và viên đội xếp chỉ
buồng giấy của Taru cho anh. Cửa buồng mở ra sân. Anh gặp cha Panơlu từ
trong buồng bước ra.
Trong một căn phòng nhỏ trắng nhờ nhờ, phảng phất mùi thuốc và mùi
đra ẩm ướt, Taru ngồi sau một chiếc bàn gỗ đen, tay sơmi xắn cao, cầm mù
soa lau mồ hôi ở chỗ vừa lấy máu trên cánh tay.
- Ông vẫn còn đây? anh hỏi.
- Vâng, tôi muốn nói chuyện với Riơ.
- Bác sĩ ở trong buồng. Nhưng nếu thu xếp được mà không phiền đến
ông ấy thì hay hơn.
- Sao vậy?
- Ông ấy làm việc quá sức. Tôi cố tránh bớt việc cho ông.
Rămbe nhìn Taru. Taru gầy rộc người. Mệt mỏi làm cho đôi mắt và nét
mặt bơ phờ. Đôi vai lực lưỡng nay xo lại. Có tiếng gõ cửa, và một người y
tá, đeo mặt nạ trắng, bước vào, y đặt lên bàn Taru một chồng phiếu và, với
giọng bị ngạt lại sau lớp vải, nói cụt lủn: “Sáu”, rồi đi ra. Taru nhìn anh
chàng nhà báo và chỉ những tờ phiếu giở ra theo hình rẻ quạt.
- Những tờ phiếu đẹp, hả? Ờ, không, phiếu ghi những người chết đêm
qua đấy.