- Một lần nữa, xin cha thứ lỗi. Tôi sẽ không bao giờ để cơn giận bùng
lên như thế nữa.
Panơlu chìa tay buồn bã nói:
- Thế nhưng tôi chưa thuyết phục được ông!
- Chẳng sao, Riơ đáp. Cái tôi căm thù, là chết chóc và tội ác, cha biết
rõ đấy. Và dù cha muốn hay không, thì chết chóc và tội ác ấy, chúng ta vẫn
cùng nhau chịu đựng và chống trả.
Riơ giữ bàn tay Panơlu lại trong tay mình:
- Cha thấy không, ông nói và tránh không nhìn Panơlu, bây giờ ngay
đến Chúa cũng không chia rẽ được chúng ta.
Từ ngày tham gia các tổ chức y tế, Panơlu chưa hề rời khỏi các bệnh
viện và những nơi có dịch hạch. Giữa những người cứu trợ, ông tự đặt mình
vào vị trí mà ông nghĩ phải là của ông, nghĩa là vào vị trí hàng đầu. Ông đã
chứng kiến những cảnh chết chóc. Và tuy về nguyên lý, ông được huyết
thanh bảo vệ, nhưng không phải ông không bao giờ băn khoăn về bản thân
cái chết của mình. Bề ngoài, ông luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh. Nhưng từ
hôm nhìn, khá lâu, một đứa trẻ chết, ông hình như thay đổi. Trên nét mặt
ông, sự căng thẳng ngày một hiện lên rõ rệt. Và đến hôm ông vừa cười vừa
nói với Riơ là ông đang dự thảo một tiểu luận ngắn về vấn đề: “Một linh
mục có thể, hỏi ý kiến một thầy thuốc không?” thì Riơ có cảm giác đây là
một vấn đề thật sự nghiêm trang. Khi Riơ ngỏ ý muốn được biết công trình
ấy, thì Panơlu đáp là ông phải thuyết giáo trong một buổi lễ cầu kinh của
nam giới và trong dịp ấy, ông sẽ trình bày ít ra cũng một vài quan điểm của
mình:
- Tôi muốn ông đến dự, bác sĩ ạ, vấn đề sẽ làm ông thích thú đấy.
Cha Panơlu trình bày bản thuyết giáo thứ hai của mình vào một ngày
gió to. Nói đúng ra, các hàng ghế cử tọa thưa thớt hơn lần trước. Ấy là vì
quang cảnh này không còn sức hấp dẫn của cái mới đối với đồng bào chúng
tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn của thành phố, bản thân từ “cái mới” đã mất