được. Riơ láng máng hiểu ra rằng theo cha Panơlu, thì không có gì cần giải
thích cả. Ông tập trung chú ý khi Panơlu nhấn mạnh là đối với Chúa, có
những điều có thể và những điều không thể giải thích được. Dĩ nhiên, có
điều thiện và điều ác, và nói chung, người ta dễ dàng giải thích cái gì ngăn
cách giữa thiện và ác. Nhưng cái khó bắt đầu từ bên trong cái ác. Chẳng
hạn, có cái ác rõ ràng cần thiết và cái ác rõ ràng vô ích. Có Đông Gioăng
[4]
bị đày xuống Địa ngục và có cái chết của một đứa trẻ. Vì nếu kẻ phóng
đãng đáng bị sét đánh, thì trái lại, không thể hiểu được vì sao một đứa trẻ lại
phải chịu đau đớn. Và thực ra, trên trái đất, không có gì quan trọng hơn nỗi
đau đớn của một đứa trẻ, sự kinh tởm mà nỗi đau có kéo theo nó, và những
lý do biện giải cho nó. Còn nữa trong cuộc sống, thì Thượng đế tạo ra cho
người ta mọi thuận lợi, và cho đến đây, tôn giáo chẳng có công trạng gì hết.
Trái lại, ở đây, Thượng đế dồn chúng tôi đến tận chân tường. Chúng tôi ở
dưới những bức tường thành của dịch hạch và phải tìm cái “lộc” của mình
trong cái bóng giết người của chúng. Cha Panơlu cũng không nhận ra cho
riêng mình những lợi thế có thể dễ dàng giành được và cho phép vượt qua
tường. Ông có thể dễ dàng nói rằng những diễm phúc vĩnh hằng đang chờ
đón đứa trẻ có thể bù đắp nỗi đau đớn của nó, nhưng, thực ra, ông chẳng
hay biết gì về cái đó cả. Thật vậy, ai có thể khẳng định một niềm vui vĩnh
cửu có thể bù đắp một lát nỗi khổ đau của con người? Chắc hẳn không phải
là một tín đồ đạo Cơ đốc, vì Chúa đã từng chịu đau đớn trong thịt da và
trong tâm hồn. Không, cha Panơlu vẫn ở dưới chân tường, trung thành với
sự phanh thây mà cái giá chữ thập là biểu tượng, mặt đối mặt với nỗi đau
đớn của một đứa trẻ. Và ông không hề run sợ mà nói với thính giả hôm đó:
“Hỡi những người anh em, thời cơ đã đến. Phải tin hết thảy hay phủ nhận
hết thảy. Và ai đây trong số các anh em, dám phủ nhận hết thảy?”.
Riơ vừa thoáng nghĩ Panơlu sẽ đề cập tới chuyện dị giáo thì cha đã nói
tiếp, một cách mạnh mẽ để khẳng định rằng mệnh lệnh ấy, yêu cầu thuần
tuý, là cái “Lộc” của người tín đồ đạo Cơ đốc. Đó cũng là đạo lý của họ.
Panơlu biết rằng cái thái quá trong đạo lý ông sắp nói tới sẽ làm nhiều
người khó chịu vì họ đã quen với một đạo lý khoan dung hơn và kinh điển