cùng chia sẻ với anh em. Đấy là niềm tin, đau đớn đối với con người, quyết
định đối với Thượng đế, mà chúng ta phải tiếp cận.
Trước hình ảnh khủng khiếp này, mọi người đều phải bình đẳng. Ở
đỉnh cao chót vót ấy, tất cả đều hòa đồng và bình đẳng, chân lý sẽ toát ra từ
sự bất công bề ngoài. Chính vì thế trong nhiều nhà thờ ở miền nam nước
Pháp, trong mấy thế kỷ nay và dưới những viên gạch lát chôn cầu kinh, đã
yên nghỉ những người chết vì dịch hạch và các vị linh mục đứng nói phía
trên mộ họ. Tinh thần mà các vị truyền bá toát ra từ các lớp tro mà trẻ em có
góp phần trong đó”.
Khi Riơ bước ra, một luồng gió dữ dội ùa qua cánh cửa hé mở, đập
thẳng vào mặt các tín đồ. Gió đưa vào trong nhà thờ một mùi nước mưa,
một hương vị vỉa hè ướt át khiến họ có thể đoán được quanh cảnh thành
phố trước khi họ ra khỏi nơi đây. Phía trước Riơ, một linh mục già và một
trợ tế trẻ vừa bước ra cửa, vất vả lắm mới giữ được mũ. Nhưng không phải
vì vậy mà linh mục già không bình luận bài thuyết giáo. Ông ca ngợi tài
hùng biện của cha Panơlu, nhưng lo lắng đối với những tư tưởng táo bạo
được trình bày. Ông cho rằng bài thuyết giáo chứa đựng nhiều lo âu hơn là
sức mạnh, và vào cái tuổi Panơlu, một linh mục không có quyền được lo âu.
Đầu cúi thấp để che gió, người trợ tế trẻ tuổi nói một cách chắn chắn rằng
anh ta lui tới nhiều ở chỗ cha Panơlu nên biết được sự tiến triển về tư tưởng
của ông, và bản tiểu luận của ông còn táo bạo hơn nhiều và chắc hẳn sẽ
không được phép in ra.
- Thế tư tưởng của ông ta thế nào? Vị linh mục già hỏi.
Họ đã ra tới sân trước và gió gào hú vây quanh họ, át hết tiếng người
trợ tế trẻ. Đến khi nói được, anh ta chỉ nói:
- Nếu một linh mục hỏi ý kiến một thầy thuốc, thì ắt hẳn sẽ có mâu
thuẫn.
Khi Riơ về kể lại những lời của Panơlu, thì Taru bảo là anh có biết một
linh mục mất lòng tin khi nhìn thấy, trong chiến tranh, khuôn mặt một thanh
niên chết trận.