đưa nước thuốc vừa mới sắc cho ông, cụ muốn nằm nghỉ một lát và ngủ
quên đi, sáng sớm hôm sau mới tỉnh giấc. Cụ vội chạy vào buồng.
Cha Panơlu nằm dài trên giường, im lìm. Tiếp theo cơn sung huyết cao
độ hôm qua, là một hiện tượng xám ngắt càng rõ hơn trên dáng dấp khuôn
mặt vẫn còn đầy đặn. Ông đăm đăm nhìn cây đèn chùm con con làm bằng
những viên ngọc trai ngũ sắc treo đầu giường. Khi bà cụ bước vào, ông
quay đầu lại. Theo lời cụ, lúc đó, ông có vẻ như đã bị hành hạ giày vò suốt
đêm và không còn một chút sức lực nào để phản ứng. Cụ hỏi ông tình hình
sức khỏe ra sao.
Với một giọng mà bà cụ nhận thấy âm sắc dửng dưng đến kỳ lạ, ông
đáp ông không được khỏe, nhưng không phải mời thầy thuốc mà chỉ cần
đưa ông đến bệnh viện để mọi sự được làm đúng theo quy tắc. Hốt hoảng,
bà cụ vội chạy lại máy điện thoại.
Đến trưa thì Riơ tới. Nghe bà cụ chủ nhà kể lại, ông chỉ nói là Panơlu
làm đúng và có lẽ đã quá chậm. Panơlu tiếp ông cũng với một thái độ dửng
dưng. Riơ khám cho ông và ngạc nhiên không tìm thấy một triệu chứng chủ
yếu nào của dịch hạch - hạch xoài hay màng phổi cả ngoài hiện tượng phổi
bị ứ căng và ngạt thở. Dẫu sao, mạch cũng rất yếu và tình trạng chung rất
đáng báo động, chỉ còn ít hy vọng.
- Cha không có một triệu chứng chủ yếu nào của dịch hạch cả, ông nói
với Panơlu. Nhưng thực ra, vẫn đáng nghi ngờ và cha vẫn phải cách ly.
Cha Panơlu mỉm cười một cách kỳ lạ, như thế vì phép lịch sự, nhưng
im lặng. Riơ bước ra để gọi điện rồi quay trở lại.
- Tôi ở lại với cha, ông dịu dàng nói.
Panơlu có vẻ tỉnh táo trở lại và quay về phía Riơ cặp mắt trong đó hình
như lại sống dậy một thứ nhiệt tình. Rồi ông phát âm một cách khó khăn,
nên không thể biết là khi nói, ông có buồn hay không:
- Cảm ơn ông. Nhưng người tu hành không có bạn. Họ đã đặt tất cả ở
Thượng đế.