những gì con người có thể “được” trong ván bài dịch hạch và cuộc đời, là
tri thức và ký ức. Phải chăng Taru gọi chính cái đó là thắng cuộc. Một lần
nữa, một chiếc ôtô chạy qua và bà cụ Riơ khẽ cựa mình trên ghế. Riơ mỉm
cười với mẹ. Cụ bảo cụ không mệt, và ngay sau đó, lại nói:
- Rồi con phải lên nghỉ trên núi, chỗ nhà an dưỡng ấy.
- Dĩ nhiên, mẹ ạ.
Đúng, ông sẽ lên nghỉ trên ấy. Sao lại không? Đó cũng còn là một cơ
hội để nhớ lại. Nhưng nếu như thế là “được cuộc” thì phũ phàng biết bao
khi chỉ sống với những cái mình biết và những cái mình nhớ lại, mà thiếu đi
cái mình ước mong. Chắc hẳn Taru đã sống như vậy và đã nhận ra cái vô vị
của một cuộc sống không có ảo mộng. Không thể có hòa bình nếu không có
ước vọng, và Taru, người không cho phép con người lên án bất kỳ ai, tuy
biết rằng không ai có thể tự ngăn cấm mình lên án cả và thậm chí nạn nhân
đôi khi có thể trở thành đao phủ, chính Taru đã sống trong sự giằng xé và
mâu thuẫn, anh chưa bao giờ biết ước vọng. Phải chăng vì vậy mà anh
muốn có thánh đức và tìm kiếm hòa bình trong việc phục vụ con người?
Thực ra, Riơ không hay biết gì hết và cái đó không mấy quan trọng. Những
hình ảnh duy nhất của Taru mà ông giữ lại là hình ảnh con người nắm chặt
tay lái ôtô hay hình ảnh một cơ thể mập mạp giờ đây sóng soài, bất động.
Một sức ấm của cuộc sống và một hình ảnh của cái chết, tri thức là thế đó.
Chắc hẳn vì vậy mà sáng hôm sau, bác sĩ Riơ tỏ ra bình tĩnh khi nhận
được tin vợ ông qua đời. Lúc đó, ông đang ngồi trong phòng làm việc. Mẹ
ông bước vào như chạy đưa cho ông một bức điện, rồi quay ra để cho người
mang điện tới tiền puốcboa. Khi cụ trở lại, thì Riơ tay cầm bức điện đã mở
ra. Cụ nhìn con, nhưng Riơ, qua ô cửa sổ, vẫn đăm đăm nhìn cảnh ban mai
rực rỡ trên bến cảng.
- Berna! cụ Riơ cất tiếng.
Riơ nhìn mẹ, với vẻ lơ đãng.
- Bức điện gì thế con? cụ hỏi.