- Thưa bác sĩ, con số đã tăng lên: mười một người chết trong bốn mươi
tám tiếng.
Riơ chào Côtta và hỏi hắn thấy trong người thế nào. Grăng trình bày là
Côtta muốn cảm ơn bác sĩ và xin lỗi đã làm phiền ông. Nhưng Riơ nhìn tờ
thống kê:
- Nào, ông bảo, có lẽ chúng ta phải bắt đầu gọi cái bệnh này bằng tên
gọi của nó đi thôi. Đến nay, chúng ta đã giẫm chân tại chỗ mãi rồi. Nhưng
mời ông cùng đi với tôi, tôi phải đến phòng thí nghiệm.
- Vâng, vâng, Grăng vừa đáp vừa bước xuống cầu thang theo sau bác
sĩ. Phải gọi các sự vật bằng tên gọi của chúng thôi. Nhưng tên gọi đó là gì?
- Tôi không thể nói với ông, vả lại, cái đó chẳng ích lợi gì đối với ông
cả.
- Ông thấy đấy, người nhân viên thị chính mỉm cười đáp. Việc đó
không dễ dàng như thế đâu.
Họ đi về phía quảng trường Duyệt binh. Côtta vẫn im lặng. Đường phố
bắt đầu đông người. Chút hoàng hôn thoáng qua ở đất nước chúng tôi đã
nhường chỗ cho bóng đêm, và những vì sao đầu tiên đã mọc đằng chân trời
còn rõ nét. Mấy giây đồng hồ sau, các ngọn đèn đường được thắp sáng làm
bầu trời tối om lại và tiếng trò chuyện như vút cao thêm một cung bậc.
- Xin lỗi bác sĩ, Grăng nói khi tới chỗ rẽ quảng trường Duyệt binh.
Nhưng tôi phải đáp tàu điện. Các buổi tối của tôi là thiêng liêng. Như người
ta thường nói ở xứ sở chúng tôi: “Không bao giờ nên để sang ngày mai…”
Riơ biết Grăng - sinh trưởng ở Môngtêlimar
[10]
- có thói quen dùng
những thành ngữ của xứ sở mình và đưa thêm vào những công thức vô vị
không ở đâu dùng cả như “một thời kỳ mơ mộng” hay “một ánh sáng thần
tiên”.
- A! Côtta thốt lên, đúng thế. Không bao giờ lôi được anh ta ra khỏi
nhà sau bữa ăn tối.