nhớ thương của mình.
Ba tuần sau, khi thành phố đóng cửa, ở bệnh viện đi ra, Riơ gặp một
người trẻ tuổi đứng chờ.
- Tôi nghĩ, chàng trai nói, ông nhận ra tôi.
Riơ hình như nhận ra anh, nhưng ông ngập ngừng.
- Trước khi xảy ra những sự kiện này, anh nói tiếp, tôi đã đến hỏi ông
tình hình đời sống của người Arập. Tôi là Raymông Rămbe.
- A! Vâng, Riơ đáp. Bây giờ ông có một đề tài phóng sự thú vị đây.
Anh chàng tỏ vẻ cáu kỉnh, bảo không phải là cái đó và anh ta đến có
việc nhờ bác sĩ giúp đỡ.
- Xin lỗi ông, anh nói tiếp, tôi không quen ai trong thành phố và không
may tay thông tín viên tờ báo chúng tôi lại là một kẻ ngu dại.
Riơ bảo Rămbe cùng đi tới một phòng chữa bệnh ở trung tâm thành
phố vì ông có đôi điều cần dặn dò người ta ở đấy. Họ đi dọc những con
đường nhỏ trong khu phố người da đen. Trời sắp về chiều, nhưng thành phố
trước kia vào giờ này vốn rất ồn ã, nay vắng vẻ đến rất kỳ lạ. Mấy tiếng kèn
clerông vang lên trong bầu trời còn vàng rực: đám nhạc binh muốn tỏ ra
đang làm nghề nghiệp của mình. Trong lúc đó, bước theo những con đường
dốc, giữa những dãy tường màu xanh, màu vàng nâu, màu tím của những
căn nhà kiểu người Môrơ
[2]
, Rămbe bắt đầu nói, vẻ rất bồn chồn. Anh để vợ
ở lại Pari. Nói đúng ra, không phải vợ, nhưng cũng thế thôi. Anh đã đánh
điện cho nàng ngay sau khi thành phố đóng cửa. Lúc đầu, anh nghĩ là một
sự kiện nhất thời và chỉ tìm cách liên lạc với nàng. Các bạn đồng nghiệp ở
Orăng bảo anh là họ không thể làm gì được, bưu điện thì không tiếp và một
cô thư ký ở cơ quan tỉnh thì chế giễu anh ra mặt. Xếp hàng dài suốt hai
tiếng, cuối cùng, anh mới đánh được bức điện với vẻn vẹn mấy từ: “Tốt đẹp
cả. Mong sớm gặp lại”.
Nhưng sáng sớm, khi ngủ dậy, bỗng nhiên anh nảy ra ý nghĩ là dẫu sao
anh cũng không biết tình hình này sẽ kéo dài tới bao giờ. Anh quyết định