- Cái gì cơ?
- Phát tín hiệu ở tần số thấp nhất để sóng đi được xa nhất có thể.
- Hãy nhớ rằng ông ta ở giữa nơi hoang vắng, và sóng radio với tần số
thông thường chắc chắn sẽ không thể đi được đủ xa để có người nghe thấy.
- Thông điệp của ông ta là gì vậy?
- Thông điệp rất ngắn gọn. Nhà khoa học đó nói rằng ông ta đang thăm dò
địa chất trên phiến băng Milne; ông ta đã phát hiện được một vật thể có độ
đậm đặc bất thường nằm sâu trong băng hà, và đoán rằng đó có thể là một
tảng thiên thạch. Ông ta đang đo đạc tảng thiên thạch này thì gặp bão. Ông
ta thông báo toạ độ, yêu cầu trợ giúp để thoát ra khỏi cơn bão, rồi tắt máy.
NASA đã lệnh cho một máy bay cất cánh từ sân bay quân sự Thule đến
cứu. Họ tìm kiếm suốt mấy giờ đồng hồ, rồi cuối cùng cũng phát hiện ra
ông ấy đã bị chết trong một khe nứt cùng với xe trượt và con chó, cách toạ
độ thông báo đến mấy dặm. Chắc là ông ấy đã tìm cách thoát khỏi cơn bão,
nhưng không nhìn thấy đường, và đã lao xuống khe nứt.
Gabrielle tư lự về những thông tin cô vừa được nghe, rồi cảm thấy ngạc
nhiên.
- Thế là đột nhiên NASA biết về một tảng thiên thạch, và không ai khác
biết chuyện này?
Chính xác. Mỉa mai thay, nếu phần mềm của PODS không bị trục trặc thì
chúng tôi đã phát hiện được tảng thiên thạch đó trước ông ta một tuần.
Sự trùng lặp ngẫu nhiên này khiến Gabrielle thắc mắc:
- Một tảng thiên thạch bị chôn vùi suốt ba trăm năm, và rồi đột nhiên được
phát hiện hai lần liền trong vòng một tuần?
- Tôi biết: Thoạt nghe có vẻ khá kỳ quặc. Nhưng trong khoa học chuyện đó
khá phổ biến. Lúc thì no dồn, lúc thì đói góp. Vấn đề là Giám đốc tin rằng
không cách này thì cách khác, tảng thiên thạch đó sẽ được phát hiện - nếu
tôi không mắc phải sai lầm đó. Ông ấy bảo tôi rằng, vì người Canada kia đã
chết rồi, sẽ chẳng ai nghi ngờ gì nếu tôi lặng lẽ điều khiển cho PODS cố
định ở toạ độ mà anh ta đã thông báo qua sớng radio. Sau đó, tôi chỉ việc
giả vờ là đã phát hiện ra tảng thiên thạch, và cứu vãn thất bại đầy tai tiếng
của mình.