NHẢY ĐI! NHẢY ĐI! NHẢY!
“Giá như ngày hôm đó trời mưa!”
Thiếu tá Marcel Bigeard, Chỉ huy Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, từ sáng sớm sương mù đã che phủ kín bầu trời
Hà Nội. Tia nắng đầu tiên làm lộ ra những chiếc máy bay C-47 của lực
lượng không quân Pháp đứng xếp thành hàng trên sân bay quân sự Bạch
Mai. Những chiếc xe tải, xe jeep đi giữa những chiếc máy bay để chuyển
quân, chuyển những bức điện tín và xếp những vũ khí nặng lên máy bay.
Tiếng mở cửa đuôi máy bay đánh “rầm”, tiếng băng tải hàng kêu ken két,
tiếng bước chân đi ủng lạo xạo và thỉnh thoảng lại có tiếng quát ra lệnh bị
nhoà đi nhanh chóng, bị méo mó đi do đập vào những thân máy bay sơn
màu bạc. Những đoàn lính dù đội mũ sắt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu
loạng choạng bước lên các máy bay C-47 trông giống như những người thợ
lặn biển sâu, chất nặng trên lưng với những chiếc dù, vũ khí và trang thiết
bị. Quang cảnh tương tự cũng lặp lại ở Gia Lâm, sân bay dân sự của Hà
Nội.
Lính dù tham gia vào chiến tích nhảy dù lớn nhất trong cuộc chiến tranh
Đông Dương là đội quân tinh nhuệ của đội quân Viễn chinh Pháp. Các đơn
vị mũi nhọn, Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 của Thiếu tá Marcel Bigeard và
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn dù tiêm kích số 1 của Thiếu tá Jean Bréchignac là
các đơn vị đã được thử thách trong chiến đấu do các sĩ quan có kinh nghiệm
đánh ở Việt Nam chỉ huy. Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 của Thiếu tá Jean
Souquet dự tính nhảy dù đợt 2 trong cùng ngày cũng nổi tiếng có trình độ
chuyên nghiệp cao tương tự. Sở chỉ huy của nhóm dù chiến đấu số 1 của
Trung tá Fourcade - một trong những người thành lập ra đội Biệt kích Đông
Dương dự tính nhảy dù cùng với tiểu đoàn của Souquet cho dù bản thân