bay họ không nhìn thấy là máy bay không chiến đấu hoặc chiến đấu kém".
Nếu không quân không đạt được kết quả tốt, nhất là trên những con đường
mà các đoàn xe Việt Minh đã đi từ biên giới Trung Quốc, theo Bruynê một
phần là vì thiếu trang thiết bị. Ông nói, "không những cần có nhiều B26 hơn
mà một khí cụ ở tầm cỡ lớn gấp hai hoặc ba lần. Máy bay ném bom hạng
nặng và bom cỡ rất lớn là một nhu cầu cần thiết trước Điện Biên Phủ”.
Ngày 26-4 là ngày đen tối nhất đối với các B26 hoạt động ở giới hạn của
tập đoàn cứ điểm. Vào buổi sáng hôm đó, chiếc máy bay do trung úy Itơnây
lái đã trúng đạn cao xạ và Itơnây đã cho máy bay rút khỏi: đại úy Rigan và
trung sĩ Bugiêia nhảy sau phi công nhưng chiếc B26 đã rơi xuống đất trước
khi trung úy Tharô, người hoa tiêu, kịp nhảy vào khoảng không. Ba người
thoát nạn đều bị Việt Minh bắt. Cùng ngày, lúc 19 giờ, chiếc B26 do trung
úy Côben lái cũng bị trúng đạn cao xạ. Côben, trung úy Bô gia và trung sĩ
Tếcxiê nhảy dù nhưng không tập hợp lại được. Tếcxiê lang thang 10 ngày
trong rừng rậm trước khi sắp chết đói, được người Thái tìm thấy và giao
cho Việt Minh.
Caxtơri có những điều phiền muộn với cán bộ không quân của mình, tướng
Đờsô. Sự bất đồng của họ bắt nguồn từ vấn đề nan giải mà cao xạ Việt
Minh gây ra và pháo binh Điện Biên Phủ không làm câm họng họ được. Vì
vậy Cônhi đã ra lệnh cho Đờsô, ngoài những nhiệm vụ thông thường, phải
bảo đảm cho việc phản pháo, việc này không làm cho đoàn phi hành phấn
khởi. Cự ly, điều kiện khí tượng, những khó khăn trong việc tìm mục tiêu,
bao nhiêu là điều bất lợi phải vượt qua. Ở đoàn không quân chiến thuật phía
bắc, người ta cũng đặt ra những vấn đề về triết lý chỉ huy. Mục tiêu ưu tiên
là gì: các cuộc thả dù, tấn công vào lực lượng phòng không hay là chi viện
mặt đất "ở cự ly gần nhất"? Điện Biên Phủ không thể sống nếu không có
thả dù, vậy thì thả dù là ưu tiên, nhưng nếu phòng không đe dọa bắn rơi
máy bay, thì nó lại trở thành ưu tiên. Và phải làm gì khi bộ binh kêu cứu vì
có nguy cơ Việt Minh tràn vào hào chiến đấu của họ?