điều Caxtơri khẳng định bởi vì ngày 4-5, ba ngày trước khi kết thúc chiến
sự, Cônhi gửi cho ông một bức điện mà ngôn từ được cân nhắc kỹ lưỡng:
"Nhiệm vụ không quân phản pháo thường bị ông khước từ vì ông quan tâm
mục tiêu khác. Ông là người duy nhất quyết định sự ưu tiên và tôi tin chắc
rằng những biện pháp như vậy sẽ được quyết định một cách có ý thức. Tuy
nhiên lưu ý ông về việc mất hiệu quả của bom đặc biệt dùng để phản pháo”
Trước ủy ban điều tra, Đờsô đặt một dấu giáng cho sự bất đồng và phát hiện
rằng Cônhi đã có một lời hứa danh dự với Caxtơri:
“Ông chỉ có quyền khước từ, cứ cho là 20% đi, tôi không nhớ nữa, - cuối
cùng ông ta cũng cho Đờ Caxtơri một tỷ lệ phần trăm. Tôi chấp nhận quan
điểm này để cho tư lệnh GONO có được những phương tiện dự bị, bởi vì
những phương tiện đó đang ở trên đường bay và cũng là để dành quyền cho
các máy bay chúng tôi được thực hiện nghiêm chỉnh những nhiệm vụ đã
chuẩn bị. Nhưng việc đó không kéo dài. Việc đó được tôn trọng trong vài
ngày rồi mọi người lại làm việc chi viện trực tiếp”.
Caxtơri khẳng định rằng những cuộc bàn cãi duy nhất giữa ông và Đờsô là
"tôi muốn người ta chi viện tôi ở cự li gần nhất. Vậy đó là vấn đề cự li an
toàn, thế thôi”.
Ông đòi hỏi máy bay phải thả bom trước chiến tuyến của quân bạn, ở giới
hạn - hàng rào dây kẽm gai đầu tiên, đồng thời vẫn giữ một cự ly an toàn có
thể chấp nhận được. Không dễ dàng gì. Vả lại, Đờ Caxtơri không biết rằng
khí tượng của thung lũng sông Nậm Rốm có những đặc thù mà chẳng ai
thông báo cho ông:
“Tôi không biết rằng vào thời kỳ này của năm, trên đầu lòng chảo 300 hoặc
400 mét, có một loại mù... không thực sự là mù... người ta nhìn rõ về phía
trên nhưng không phải từ cao xuống thấp... cuối cùng không còn mục tiêu
nhìn được. Các máy bay khu trục - ném bom không nhìn thấy gì cả...”