khẩu súng không nhìn thấy này bắn theo một khe núi hẹp, nghiêng như kiểu
các pháo Việt Minh. Khi các "bộ đội" đến ở phía ngoài họ đã hiểu cái mưu
chước đó, họ ném lựu đạn vào súng cối. Mêchiê bị thương bởi "nhiều mảnh
đạn từ thắt lưng đến cổ, một số chọc thủng lồng ngực từ bên này sang bên
kia. Bác sĩ Ruôn "đã tự thân bít các lỗ hổng vết thương và Mêchiê đã được
điều trị bằng dolosal-phénergan-morphine và các thuốc kháng sinh; nhưng
các vết thương sâu, các chỗ gãy đáng ngại" và máu vẫn tiếp tục chảy và làm
bẩn thêm các giải băng đã lấm bùn. Nằm sấp giữa một chục người bị
thương, viên hạ sĩ quan không thể đứng dậy được hoặc quay người được và
hình như xương bả vai bị gãy.
Ít tàn phế hơn, các thương binh người Việt kéo lê ra ngoài và bỏ đi. Còn lại
chỉ có Latan và Mêchiê. Người này giúp người kia, bước đi trong tiếng kêu
đau đớn mà họ không thể kiềm chế được, hai người rời hầm trú ẩn và nhờ
vào ý chí tìm được một vị trí mà ở đó nỗi đau của họ chịu đựng được tốt
hơn. "Chúng tôi đi bên cạnh nhau, Latan nói, trên đầu chúng tôi là một bầu
trời xanh. Sự mệt lả của Mêchiê làm tôi xúc động. Đôi con mắt của người
chết, đầu nghiêng về một bên không động đậy, tôi lo cho tính mạng của
anh. Chúng tôi dừng lại một hồi lâu để tận hưởng không khí yên tĩnh và lấy
lại sức”.
Trên mặt tây, giữa đám ruộng, cuộc hấp hối của Clôđin 5 kéo dài suốt đêm.
Một quả đạn 105 nổ, phá hủy hầm - sở chỉ huy của đại đội 2, tiểu đoàn 1,
bán lữ đoàn 13 lê dương ngoại quốc và chôn vùi đại uý Smitz; người hầu
cận và hai lính lê dương đã kéo ông ra. Đêm thứ ba rồi binh sĩ không được
ngủ, lương thực không đến nữa và dưới trời mưa giông, bùn đã thành nước
trong các đường hào. Tiểu tiện, đại tiện là nguy cơ chết người. Smitz còn
chiếc rađiô cuối cùng, ông lại đặt nó cách sở chỉ huy đã bị phá hủy mười
mét, trong cái hào nước bẩn mà lính lê dương rụt cổ vào hai vai chờ đợi
từng quả đạn. Viên sĩ quan không cho là có một cuộc xung phong mới; Việt
Minh cho Clôđin 5 no đòn pháo và nghiền nát nó.