được nữa. Ông mặc quần và khoác áo vét.
— Bà nó này, trong túi tôi có hai lia rưỡi cơ mà!
— Tôi lấy rồi!
— Này, bà nó, sao bà lấy mà không hỏi gì tôi thế?
— A… a… a! Cầu thánh Ala giúp tôi! Tôi phải làm gì nữa? Chả lẽ để
chúng ta chết đói cả hay sao?!
— Ôi, lạy trời!… Cái cuộc sống khốn kiếp này!…
Ông cắm đầu đi thẳng ra phố. Trong túi không có một xu. Ông vừa đi
vừa lẩm bẩm:
— Tôi phải làm gì đây? Tôi phải làm gì đây?
Bỗng ông chợt nhớ ra Hamđi. Dễ đến một nghìn năm nay ông không gặp
anh ta. Thật ra, ông có nghe đồn anh ta trở nên rất giàu có. Giữa hai người
có tình bạn nhiều năm trời. Có lẽ nên đến anh ta và kể: “Tình cảnh của tôi
nó như thế, như thế…” Rồi hỏi vay anh ta ít tiền chăng? Chả lẽ anh ta
không cho ông vay được 50 lia?
“Ta đi hỏi vay tiền ư? Thây kệ, ngượng cũng được! Người hỏi xin xấu
hổ một, nhưng kẻ nào không cho còn xấu hổ gấp đôi!”
Ông không có tiền đi tàu điện hay ô-tô buýt. Đành phải đi bộ.
— Nhỡ Hamđi không có nhà thì sao? Thế thì tiếc quá!… Cái cuộc sống
chó má này!…
Đã gần chiều.
— Nhỡ anh ấy chuyển nhà rồi thì sao? Ôi, cuộc đời ơi!…
Khi ông đến được nhà Hamđi thì trời bất đầu tối.
— Ôi, anh Bacxi thân mến! Ôi, cuộc đời của tôi! Ôi, anh bạn quý mến
của tôi! Dạo này anh biến đi đâu thế hả? Anh ở đâu ra vậy?
Nói gì thì nói Hamđi vẫn là người bạn tốt. Anh ta đã đón tiếp ông rất
niềm nở. Anh ta đang ngồi ngoài ban công và nhấm nháp rượu rakư.
Vì mệt đôi chân Bacxi như tê đi. Cái đói làm ông lả cả người.
— Rất tốt là anh đã đến. Cái thứ “cay” này mà uống một mình nó không
vào. Thôi nào, chúc sức khỏe!
Trên bàn không có chút thức ăn hay đồ nhậu nào. Chỉ có vài hạt đậu
rang.