thứ nhất tại trường cao đẳng cộng đồng ở đó. Phạm Xuân Ẩn là một
điệp viên cộng sản 31 tuổi, một thanh tra quan thuế về hưu sớm và
chuyên gia chiến tranh tâm lý khi ông bắt đầu theo học tại
Trường cao đẳng Orange Coast (OCC), nơi một cố vấn Mỹ tại
Việt Nam đã gợi ý cho ông. Có lẽ ông là người Việt Nam đầu tiên
sống tại hạt Orange. (Giờ đây là nơi sinh sống của 150.000 người
tỵ
nạn
Việt Nam và con cháu họ). Được các bạn trong lớp gọi là Khổng
Tử, Phạm Xuân Ẩn học các môn chính trị, chính thể Mỹ, kinh tế, xã
hội học, tâm lý học, tiếng Tây Ban Nha, và báo chí. Ông tháp tùng
các nữ sinh viên 18 tuổi ra bãi biển và dành nhiều thời gian làm việc
ở tờ Barnacle, tờ báo của trường. Thỉnh thoảng ông lại có bài viết cho
tờ này, ví dụ như bài điểm phim Người Mỹ trầm lặng . Nhận thấy bộ
phim mập mờ về cách hiểu, Phạm Xuân Ẩn đã đề xuất là nó “không
nên được chiếu tại Việt Nam”.
Phạm Xuân Ẩn miêu tả hai năm của mình tại Mỹ, gồm cả giai
đoạn thực tập tại tờ Sacramento Bee và Liên hợp quốc, là “quãng thời
gian duy nhất trong đời tôi không phải lo âu gì”. (Những chuyến đi
của ông từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ được Quỹ Á châu thanh
toán, quỹ này về sau mới lộ ra là một bình phong của CIA). Ông
phải lòng với nước Mỹ và với một người Mỹ, Lee Meyer, cô gái tóc
vàng yểu điệu vốn là biên tập và người hướng dẫn viết bài cho ông
tại tờ Barnacle. “Cổ biết tôi yêu cổ, nhưng tôi không bao giờ nói với
cổ điều đó,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Người Việt Nam chúng tôi không
bao giờ nói ra cảm xúc thực của mình.”
Phạm Xuân Ẩn tới OCC vào một ngày thứ Bảy, khi ngôi trường
toàn người đi đi về về này sạch bóng sinh viên và ký túc xá thì khóa
kín. “Đó là giờ ăn trưa, và tôi không biết phải đi đâu,” ông nhớ lại.
“Đột nhiên một trong số các sinh viên quay lại ký túc xá. Tôi nói với
anh ta rằng tôi là sinh viên mới và cũng vừa mới đến Mỹ. Anh ta
mời tôi ăn một chút đậu đỏ.”
“Sau đó ông Henry Ledger, người quản lý ký túc xá, xuất hiện.
‘Chúng tôi đang chờ cậu,’ ổng nói. ‘Chúng tôi giữ phòng cho cậu