nhà nghỉ rẻ tiền. Ngày hôm sau khi mặt trời mọc ông lại bắt đầu lái
xe đi tiếp. “Nước Mỹ quả là rộng lớn và tươi đẹp, với sự đa dạng
muôn màu muôn sắc. Trước đó tôi chưa bao giờ nhận ra nước Mỹ
rộng lớn đến nhường nào. Đây không phải là những gì tôi tưởng
tượng ra sau khi nghe miêu tả về nó.”
Sau khi băng qua dãy núi Rocky và vùng Đồng bằng Lớn, Phạm
Xuân Ẩn ngỡ ngàng khi nhìn thấy những cánh đồng màu mỡ ở
bang Iowa. “Tôi nhìn thấy những cánh đồng ngô trải dài hết dặm
này tới dặm khác. Tôi mất gần trọn một ngày lái xe mới ra khỏi cánh
đồng ngô. Tôi dừng xe lại để xem lũ gà tây mà người ta nuôi ở đó,
những con gà tây to đùng màu sô cô la. Mấy cánh đồng trải ra đến
tận chân trời.”
Đến khi tới được Chicago, ông lại gặp rắc rối với bộ chế hòa khí
trong xe mình. Ông ngạc nhiên khi một bộ chế hòa khí mới được lắp
vào rất nhanh thay vì người ta tháo ra và sửa lại bộ chế hòa khí cũ.
Ông bắt đầu lái xe quanh thành phố, tìm kiếm chiếc máy kỳ diệu mà
thầy giáo tiếng Pháp đã kể với ông. “Tôi lái xe tới khu lò mổ, nhưng
tôi chẳng thấy chiếc máy đó ở đâu cả.” Phạm Xuân Ẩn bật cười:
“Chắc tôi phải tự mình tạo ra chiếc máy đó nếu tôi muốn nó tồn tại
trên đời.” Trừ việc sửa chữa xe chóng vánh, Phạm Xuân Ẩn thấy
thất vọng với Chicago. “Tôi cứ đinh ninh sẽ tìm thấy thứ gì đó ở
Chicago làm cho nó trở nên hiện đại hơn Việt Nam.” Nhưng thậm
chí cả những tên gangster cũng kém màu mè so với Bảy Viễn và
những tên cướp sông của ông ta. Phạm Xuân Ẩn lái xe đến thác
Niagara, nơi ông dành cả tuần tham dự một hội thảo dành cho các
sinh viên Công giáo Việt Nam được cha Emmanuel Jacques, một
nhà truyền giáo dòng Tên người Bỉ, tổ chức.
Phạm Xuân Ẩn không bao giờ tỏ ra là người theo bất kỳ tôn giáo
nào khác ngoài đạo Phật. Mặc dù vậy, chắc hẳn ông đã nghĩ đó cũng
là một ý tưởng hay khi bổ sung cha Jacques, người từng sống ở Việt
Nam và “nói tiếng Việt như một người Việt”, vào danh sách những
người giới thiệu mình.