Sau đó Phạm Xuân Ẩn lái xe tới Washington, trên đường tới đó
ông ở lại Arlington, bang Virginia, mười ngày với người bạn CIA
của mình là Mills Brandes và gia đình ông này. “Sau khi tham quan
đồi Capitol, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, họ đưa tôi đi tham quan FBI,
nơi tôi được chứng kiến các đặc vụ bắn vào những mục tiêu trên
trường bắn bằng đạn thật,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ bấm một chiếc
nút và một xạ thủ vụt đứng lên. Mục đích là để chúng tôi phải thán
phục bao nhiêu phát súng họ bắn trúng hồng tâm. Hầu như ai cũng
bắn trúng hồng tâm.”
“Tôi hỏi họ: ‘Như thế này để làm gì?’ ‘Đó là lời cảnh báo đối với
mọi người: đừng phạm tội, nếu không FBI sẽ dễ dàng găm một viên đạn
vào người anh.’ Tôi tự nhủ: ‘Đây đúng là trò chiến tranh tâm lý hiệu
quả, với mục đích là giảm số lượng tội phạm’.”
Phạm Xuân Ẩn lái xe về New York vừa kịp để chứng kiến lễ khai
mạc phiên họp của Liên hợp quốc. Quỹ Á châu giới thiệu ông với
một phóng viên Liên hợp quốc đến từ Ấn Độ, người này đưa ông đi
lấy thẻ báo chí và hướng dẫn cho ông. “Đó là phiên họp mà Nikita
Khrushchev sang thăm Mỹ lần đầu tiên. Đường phố chật cứng
những hàng cảnh sát vũ trang, cưỡi những con ngựa lực lưỡng và
trông rất oai vệ trong ánh nắng mùa thu. Đám đông đứng chật các
vỉa hè để xem Khrushchev đi qua trên một chiếc limousine màu đen,
với cờ Liên Xô tung bay trên nắp xe. Tôi đứng nhìn đoàn xe của ông
ấy đi qua. Sau đó tôi tới khu vực báo chí để theo dõi Khrushchev
phát biểu.”
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn là ông có phấn khích không khi được nhìn
thấy
Khrushchev trên cương vị một người đồng chí cộng sản, và liệu
ông có tin lời
Khrushchev khi ông ấy nói với nước Mỹ: “Chúng tôi sẽ chôn vùi
các người!”