lính Pháp. Đây không phải là công việc của một nhà phân tích chiến
lược mà là hành động của một chỉ huy du kích.
Tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng cuốn sách này cũng được
hưởng lợi từ sự qua đời của Phạm Xuân Ẩn. Sự kiểm soát mà ông
thực hiện đối với câu chuyện về cuộc đời mình kết thúc vào mùa
thu năm 2006. Những nguồn tin tình báo, cả ở miền Bắc và miền
Nam Việt Nam, bắt đầu tiết lộ những thông tin được giấu kín trước
đó. Những thông tin này gồm cả các chi tiết về sự liên quan của
Phạm Xuân Ẩn vào một số trận đánh và chiến dịch then chốt trong
cuộc chiến. Ví dụ, chúng ta được biết rằng, ông được tặng thưởng
một Huân chương Chiến công hạng nhất vì đã cung cấp thông tin
cảnh báo sớm về kế hoạch Mỹ xâm lược Campuchia tháng 4 năm
1970. Thông tin sớm này cho phép lực lượng cộng sản, đặc biệt là bộ
máy chỉ huy quân sự, rút lui kịp thời về phía Tây. Một Huân
chương Chiến công hạng nhất khác được tặng thưởng cho ông vì đã
phát hiện kế hoạch xâm lược Nam Lào tháng 2 năm 1971 của quân
đội Nam Việt Nam
. Ở đây, chính sự tham gia về mặt chiến thuật
của Phạm Xuân Ẩn đã dẫn đến thất bại quân sự thê thảm của Quân
lực Việt Nam Cộng hòa.
Những thông tin được tiết lộ sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời
khẳng định rằng ông tham gia vào các hoạt động tình báo quân sự
với quy mô đáng ngạc nhiên. Một số thông tin mới được công bố
một cách ngẫu nhiên, một số là có chủ ý. Dù thế nào đi nữa, tôi bắt
đầu nhận được đều đặn cơ man nào là những báo cáo, ghi chép,
hình ảnh và các loại tài liệu khác về một con người mà 17 năm sau
lần đầu tiên tôi gặp ông, vẫn tiếp tục gây bất ngờ. Vỏ bọc của Phạm
Xuân Ẩn sẽ chỉ bộc lộ hoàn toàn khi người ta có cơ hội đọc được
toàn bộ oeuvre (tác phẩm) của ông - những báo cáo tin tình báo mà
ông gửi cho
Hồ Chí Minh và Tướng Giáp
khiến họ phải vỗ tay sung
sướng và trầm trồ thán phục trước sự sinh động và ngòi bút kể
chuyện hấp dẫn của một Tolstoy trong hàng ngũ của mình, mà họ
biết đến qua bí số Z.21.