Time. Còn trong cuốn sách này lại là một chân dung hoàn toàn khác,
một nhà chiến thuật bậc thầy và là một chiến sĩ trung kiên vì lý
tưởng cộng sản. Tôi đã viết cuốn tiểu sử không được phép về một điệp
viên. Mặc dù Phạm Xuân Ẩn ngừng hỗ trợ công trình này - cùng với
một số người bạn Mỹ, những người cho rằng họ làm như thế là vì
lợi ích của ông - tôi vẫn kiên trì nghĩ rằng nếu như cuốn sách này có
nói điều gì đó chính xác về Việt Nam và những cuộc chiến tranh dai
dẳng của đất nước này hoặc bản chất của chiến tranh nói chung,
chắc hẳn Phạm Xuân Ẩn sẽ ngậm cười về điều đó.
Đã một số lần tôi gần như từ bỏ công trình này, và ngay cả khi
cuốn sách được đưa đi xuất bản, những câu hỏi cơ bản vẫn còn
nguyên ở đó - những câu hỏi. Nếu như tôi đang nói chuyện với
Phạm Xuân Ẩn về thế tiến thoái lưỡng nan này, như tôi vẫn thường
làm, có thể ông đã bật ra một câu chuyện đùa hoặc lại say sưa nói về
một giai thoại trong lịch sử Việt Nam, hoặc gợi ý tôi đọc một cuốn
sách, ví dụ như cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khải viết năm
1983 về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, Thời gian của người. Ở Việt Nam,
những cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn như vậy. Lòng vòng và miên
man, trước khi chuyển, hầu như không thể nhận ra, thành những
câu chuyện ngụ ngôn vừa giải trí vừa giáo huấn.
Tôi đã kể câu chuyện này theo phong cách Việt Nam, lập lờ về
quan điểm và về thời gian tính. Phạm Xuân Ẩn đã qua đời. Ông bị
gắn chặt vào một chiếc máy thở suốt nhiều tuần liền trước khi hai lá
phổi của ông ngừng hoạt động mãi mãi vào mùa thu năm 2006, kết
thúc tất cả ngần ấy năm trò chuyện. David Halberstam cũng đã qua
đời. Ông dành cả cuộc đời viết về những cuộc chiến tranh ở châu
Phi và châu Á trước khi chết trên ghế hành khách của chiếc xe hơi
gặp tai nạn ở một giao lộ tại Menlo Park, bang California, năm 2007.
Chừng nào tôi còn nghe thấy họ, tôi vẫn sẽ giữ giọng nói của họ ở
thì hiện tại. Mặc dù vậy, cũng cần cảnh báo cho người đọc. Không
có câu chuyện đích thực duy nhất về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn,
vì cuộc đời ông chứa đựng những sự thật đa tầng. Thậm chí cả cái