Năm 1963 Henry Luce, người sở hữu và là chủ bút tạp chí Time,
gọi điện cho Frank McCulloch, khi đó là biên tập viên điều hành của
tờ Los Angeles Times, và đề nghị ông ta tới Việt Nam “giải quyết mớ
hỗn độn mà chúng ta đang mắc kẹt bên đó”. McCulloch tưởng Luce
đang nói về cuộc chiến tranh, nhưng thật ra ông ta đang nói về văn
phòng Time-Life, nơi tinh thần làm việc đã rớt xuống thảm hại sau
khi trưởng đại diện từ chức để phản đối. McCulloch gặp Phạm
Xuân Ẩn, khi đó là một cộng tác viên bán thời gian, trong chuyến
thăm đầu tiên của ông tới văn phòng của
Time tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1964. Một năm sau ông thuê
Phạm Xuân Ẩn với mức lương 75 đô la một tuần để làm việc chính
thức trên cương vị phóng viên thường trú bản địa. “Có hai điều gây
ấn tượng đối với tôi về Phạm Xuân Ẩn,” McCulloch nói với nhà làm
phim tài liệu David Felsen trong một cuộc phỏng vấn năm 2006.
“Anh ta hiểu báo chí Mỹ, và anh ta vô cùng thông minh. Vì có rất
nhiều mối quan hệ nên anh ta hiểu rất rõ đời sống chính trị Việt
Nam, và vào năm 1964 khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam thì không
may chính trị lại là chủ đề đáng chú ý hơn cả bản thân cuộc chiến
tranh. Những vụ đảo chính diễn ra rồi kết thúc nhanh đến nỗi nếu
muốn đưa tin về Việt Nam anh phải có hiểu biết về người Việt Nam,
và đó là những gì Phạm Xuân Ẩn mang đến.”
Khi McCulloch, một cựu trung sĩ thủy quân lục chiến 43 tuổi, đến
Sài Gòn lần đầu tiên, văn phòng đại diện của Time-Life mới có hai
nhân viên mất tinh thần vẫn còn bức xúc về việc Charley Mohr,
trưởng đại diện, bị buộc phải từ chức trong một vụ bất đồng với các
biên tập viên ở New York. Đến khi McCulloch rời Việt Nam bốn
năm sau đó, văn phòng Sài Gòn có đến 25 nhân viên, bao gồm một
số phóng viên sừng sỏ nhất của cuộc chiến. Họ gửi về 50.000 từ mỗi
tháng qua một đường dây telex trực tiếp tới New York, và họ thu
thập cơ man nào là những thông tin về mọi khía cạnh của cuộc xung
đột. “Phạm Xuân Ẩn dành rất nhiều thời gian trong văn phòng, và
tất cả những gì anh ta phải làm là lắng nghe,” McCulloch nói. “Anh