ký, nhân viên điện tín, tài xế, phiên dịch, và những biên tập viên đi
công tác từ New York sang, những người muốn được thấy tình hình
thực tế trước khi ăn nhậu trong những nhà hàng sang trọng nhất Sài
Gòn. McCulloch chuyển văn phòng đại diện tới một biệt thự ở số 7
đường Hàn Thuyên, đối diện với công viên phía trước Dinh Độc
Lập. Đi bộ một đoạn ngắn xuống cuối phố là Đại sứ quán Mỹ.
Dưới thời McCulloch, văn phòng đại diện hình thành một nhịp
điệu đặc biệt. Cánh phóng viên tụ tập từ sáng sớm thứ Hai để trình
bày những ý tưởng định viết và tranh luận về những gì cần được đề
cập trong số tạp chí của tuần sau đó. Phân công công việc được
chuyển lại từ các biên tập viên ở New York vào thứ Ba, và mọi
người tản ra thực địa. Đến cuối ngày thứ Năm hoặc sáng thứ Sáu họ
lại tập trung trong văn phòng, trao đổi những ghi chép và hoàn
thành bài viết của mình để đánh điện về New York, nơi tờ tạp chí
hoàn thành và đưa ra phát hành vào Chủ nhật. “Tất cả chúng tôi
đều tập trung viết bài vào thứ Sáu, thứ Bảy và sang cả Chủ nhật,”
McCulloch nói. Tiếp sau những buổi làm việc vào cuối tuần này là
màn uống bia thả phanh và ăn những bữa tối ngon lành kiểu Pháp.”
“Phạm Xuân Ẩn không phải là một phần của cánh bù khú trong
văn phòng đại diện,” McCulloch nói với David Felsen. “Anh ấy
khép mình hơn, hơi tách biệt. Nhưng cả ngày lúc nào anh ấy cũng ở
đó. Khi một phóng viên đang viết bài chính trị nào đó, một vụ đảo
chính hay đại loại như vậy, điều đầu tiên phóng viên ấy làm là hỏi
Phạm Xuân Ẩn bối cảnh của sự kiện là như thế nào, những gì đã xảy
ra.”
“Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò như một nguồn tin cho các phóng
viên khác hơn là vai trò chính mình là một phóng viên,” McCulloch
nói. “Nhưng có một quãng thời gian, trong năm 1965 và đầu năm
1966, khi những vụ đảo chính xảy ra - có tất cả 12 vụ đảo chính - thì
anh sẽ tìm thấy rất nhiều bài viết của anh ấy trong các hồ sơ lưu trữ
của Time Inc.” Phạm Xuân Ẩn cố hết sức không để tên mình xuất
hiện trong các hồ sơ này. Một lần, khi anh ấy tỏ ra quá chính xác khi