với mái tóc buộc túm ra sau thành một búi. Kém chồng mười tuổi,
bà đang bận dọn dẹp trước khi đón tiếp rất nhiều khách khứa sẽ đến
trong dịp Tết, gồm cả người con gái của ông bà đang sống ở
California. Treo dưới mái hiên và những chiếc cột dựng trên lối đi là
những chiếc lồng ông Ẩn nuôi lũ chim khướu, chim xanh trán vàng,
giẻ cùi, hoàng yến và các loại chim biết hót khác. Một con sáo xanh
mỏ vàng thông báo bằng tiếng Việt: “Nội ơi, có điện thoại!” Con
chim đang nhại tiếng cháu nội ông Ẩn, đứa cháu này đang sống
cùng ông và ba người con trai đã trưởng thành của ông.
Chúng tôi cởi giày bước vào căn phòng rộng rãi đã từng được
dùng làm văn phòng và thư viện của Phạm Xuân Ẩn, cũng như
phòng ăn và phòng tiếp khách của ông. Kê dọc bức tường cuối
phòng là những chiếc giá mặt kính nơi chứa sách vở của ông. Một
bức tranh thủy mặc Trung Hoa treo phía trên bộ xô pha bọc nỉ xanh.
Phía dưới cánh cửa sổ để mở là một cái bể cá lưu giữ thành phần
thứ ba trong bầy động vật cảnh của Phạm Xuân Ẩn. “Chó luôn
trung thành,” ông nói. “Chim thì nhảy hoài trong lồng, lúc nào cũng
bận rộn. Cá dạy anh biết ngậm miệng. Tiếc là dạo tôi nằm viện, lũ cá
chết gần hết.”
Căn phòng đã thay đổi nhiều so với lần tôi đến thăm trước đó.
Trong hốc tường gần cửa chính, thay cho bàn làm việc của ông và
những ngăn kéo đựng giấy tờ cùng hàng chồng tạp chí và báo trước
kia chất cao đến trần nhà, là cây đàn piano của con trai ông. Sau đó
tôi phát hiện ra chuyện gì đã xảy ra với phòng làm việc của ông khi
tôi đi qua bàn thờ gia tiên và thông qua phòng bếp đi ra lối đi phía
sau nhà. “Vợ tôi vứt hết giấy tờ của tôi ra đây,” ông nói, và chỉ vào
hai tủ giấy tờ cùng một chiếc bàn chất đầy những tài liệu ngả vàng.
Tất cả những gì bảo vệ chúng khỏi nắng gió là một chiếc mái hẹp
bằng nhựa.
Trong khi chúng tôi ngỡ ngàng nhìn chỗ giấy tờ chất đống trên lối
đi, Phạm Xuân Ẩn bật cười. “Vợ tôi bảo đã đến lúc nhường chỗ cho
thế hệ trẻ, nhưng tôi chưa chết được. Chẳng có chỗ nào cho tôi ra đi