cả. Tôi không được lên thiên đường vì tôi nói xạo nhiều quá; địa
ngục thì dành riêng cho những kẻ lừa đảo, nhưng
ở Việt Nam loại
đó quá nhiều, nên địa ngục
cũng chật cả rồi.”
Phạm Xuân Ẩn có đôi tai to rủ xuống, vầng trán cao vuông vắn,
mái tóc màu đen húi ngắn, và đôi mắt màu nâu sinh động. Mắt trái
của ông to hơn mắt phải một chút, như thể
cùng một lúc ông đang
quan sát cả cận cảnh lẫn viễn cảnh những vấn đề của thế giới
.
Những bức ảnh của ông hồi những năm 1950 cho thấy ông mặc
những bộ com lê may sát người, áo sơ mi trắng và quần đen. Dạo đó
nhìn Phạm Xuân Ẩn giống như một trong những thanh niên bảnh
trai, sáng sủa tham gia vào các hội đoàn và thành thạo những trò bù
khú thời thượng. Ông cao hơn tầm vóc trung bình của người Việt,
kiểu một võ sĩ quyền Anh hay tay đua bơi lội hạng bét nhưng đã có
thời, sau khi trượt hai năm liên tiếp, nghĩ rằng mình có thể sẽ trở
thành một tay anh chị Việt Nam.
“Tôi không muốn nói về mình,” Phạm Xuân Ẩn thường nói. “Có
quá nhiều điều phải nhớ.” Và rồi ông không bỏ lỡ một cơ hội nào để
nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt nhất từ 50 năm trước. Ông cúi người
về phía trước trên chiếc ghế của mình. Ông khoa chân múa tay với
những ngón tay dài xương xẩu và gần như trong mờ vì tuổi tác.
Ông nhào nặn không gian trước mặt như thể nó là một khối bột
nhão, thỉnh thoảng lại giáng cho nó một cú đấm. Ông chia những
nhận xét của mình thành các khái niệm tam cương ngũ thường Nho
giáo trong khi vẫy những ngón tay thành một hình vòng cung
tượng trưng cho một trong những déesses, những nữ thần hộ mệnh
mà ông tin là mang đến thành công cho mình trong cuộc sống.
Phạm Xuân Ẩn cũng có thể nói chuyện hàng giờ liền về các sự kiện
trên thế giới, vạch ra những nét tương đồng giữa chiến tranh Việt
Nam và chiến tranh tại Iraq (“những phương pháp được phát triển
đầu tiên ở châu Á đã được đưa đến sa mạc”) hoặc đánh giá các cơ
quan tình báo trên thế giới (“Người Mỹ là bậc thầy về thu thập
thông tin tình báo, nhưng họ không biết phải làm gì với chúng”).