gặp rắc rối với an ninh quân sự Pháp, gọi tắt là OR, tên đầy đủ là
Office des Renseignements. Họ cài cắm người của họ khắp mọi nơi.”
Ngoài việc kiểm duyệt những bài viết của Greene, Phạm Xuân
Ẩn cũng chứng kiến sự kiện tạo thành chuyện chính trong tác phẩm
Người Mỹ trầm lặng được xuất bản tại Anh năm 1955 và tại Mỹ một
năm sau đó. “Tôi đang trên đường từ sở quan thuế về nhà,” Phạm
Xuân Ẩn nói, miêu tả lại những gì ông nhìn thấy ngày 9 tháng 1
năm 1952. “Chúng tôi có giờ nghỉ ăn trưa kéo dài để tranh thủ chợp
mắt, trước khi quay lại làm việc vào buổi chiều. Thỉnh thoảng khi
không có nhiều việc để làm, tôi thường đi bơi ở bể bơi gần khách
sạn Majestic và sau đó về nhà ăn trưa. Hôm đó, tôi nói với sếp của
mình là tôi muốn về sớm để xem cuộc diễu binh chào đón một trung
đoàn Pháp vừa tham chiến ở Triều Tiên về. Đơn vị này đang được
luân chuyển về nhà, có ghé qua Sài Gòn và diễu binh dọc đại lộ
Catinat để phô trương thanh thế. Đây là con phố quan trọng nhất ở
Sài Gòn, dọc hai bên là rất nhiều cửa hàng sang trọng. Một sân khấu
duyệt binh đã được dựng lên trước nhà thờ, và cả thành phố đang
sửa soạn đi xem.”
Phạm Xuân Ẩn đang đạp chiếc xe của mình trên đại lộ Catinat về
phía khách sạn Continental. Phía trước mặt, ông nhìn thấy một đám
đông tập trung gần bồn nước ở Place Garnier. Trông ra quảng
trường ở trung tâm Sài Gòn này là quán cà phê Givral, nhà hát
thành phố, khách sạn Continental, và những điểm nổi bật khác của
Sài Gòn. Cả Phạm Xuân Ẩn và những người hiếu kỳ đều không biết
rằng cuộc diễu binh đã bị hủy bỏ. Đột nhiên Phạm Xuân Ẩn nhìn
thấy những hình người bị bắn tung lên không trung và nghe thấy
tiếng nổ khủng khiếp biến cả quảng trường thành một hiện trường
đánh bom la liệt xác chết và những kẻ sống sót đang kêu la thảm
thiết. Ông đến tận hiện trường và nhìn thấy những cánh cửa sổ vỡ
tan cùng rất nhiều người gần đó bị thương đang kêu cứu.
Được đưa vào làm đỉnh điểm của tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng,
vụ đánh bom là tác phẩm của tướng Thế, một thủ lĩnh Cao Đài được