người Mỹ hậu thuẫn làm “lực lượng thứ ba” nhằm mục đích dẫn
dắt Việt Nam vào một tương lai không cộng sản mà cũng không có
người Pháp. Trong tiểu thuyết của Greene, Alden Pyle, điệp viên
CIA, người tài trợ tiền cho tướng Thế, coi hành động khủng bố đô
thị này là cái giá không may mà người ta phải trả cho việc thúc đẩy
sự nghiệp tự do của Việt Nam. “Phòng Nhì Pháp nhận được tin báo
về việc tướng Thế đã gài một quả bom,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Nên
đến phút cuối cùng họ cho hủy cuộc diễu binh. Có thể họ nhận được
thông tin quá muộn. Có thể họ muốn quả bom phát nổ để làm bẽ
mặt người Mỹ bằng cách để cho họ giết hại vô số dân thường vô tội.
Dù sao thì cũng đã có rất nhiều người xếp hàng dọc trên phố, chờ
đợi đám diễu binh, khi quả bom phát nổ. Nó làm vỡ nát những cánh
cửa sổ ở quán cà phê Givral và hiệu thuốc bên cạnh. Tôi chứng kiến
cảnh sát chạy tới giúp đỡ người bị thương.”
Trừ quân đội riêng của mình với vài nghìn binh sĩ, Cao Đài là
một lựa chọn đỡ đầu kỳ quặc của người Mỹ. Tôn giáo này được
thành lập năm 1926 bởi một viên chức người Việt Nam ngộ đạo
trong một lần cầu cơ. Đạo Cao Đài có một Hộ Pháp và cả
Nữ Đầu sư
cai quản một Tòa thánh, cách Sài Gòn 80 kilômét về phía Tây Bắc.
Greene miêu tả Tòa thánh Cao Đài như “một hình ảnh tưởng
tượng phong phú kiểu Walt Disney của phương Đông, [đầy] rồng
và rắn sặc sỡ”. Với biểu tượng là thiên nhãn (con mắt thần), nhìn
thấu tất cả, tôn giáo này đưa vào danh sách các vị thánh của mình cả
Jeanne d’Arc, Descartes, Shakespeare, Pasteur và Lenin.
Ngay sau khi cuốn Người Mỹ trầm lặng được xuất bản, Mills C.
Brandes, một nhân viên CIA nằm vùng tại Sài Gòn, người nghe đâu
về sau trở thành trưởng cơ sở ở Thái Lan, đã tặng Phạm Xuân Ẩn
một cuốn. Brandes nghĩ cuốn sách sẽ giúp Phạm Xuân Ẩn học tiếng
Anh. “Nhiều người Việt Nam tin vào câu chuyện về việc những
người Mỹ tới Việt Nam và cố dựng đạo Cao Đài lên làm ‘lực lượng
thứ ba’, Phạm Xuân Ẩn nói. Khi Người Mỹ trầm lặng được dựng
thành phim, Phạm Xuân Ẩn đã có một bài bình luận về nó. Khi cuốn