Trong ba nhà tài trợ chính cho chương trình, Ford là công ty duy nhất không có các
quảng cáo chia sẻ sân khấu trực tiếp với các thí sinh trong các show trình diễn.
Nguyên 26 triệu đô-la của Ford trong hợp đồng quảng cáo này chỉ nhằm hướng tới
những spot quảng cáo truyền thống 30 giây giữa chương trình (mặc dù năm 2006,
Ford thông báo họ đã thuê American Idol Taylor Hicks – một anh chàng tóc xám –
thu âm một bản nhạc thời thượng, dễ nghe cho cả TV và radio với tên gọi
“Possibilities” để quảng bá cho chương trình khuyến mại cuối năm mang tên “Drive
on Us”. Trong chương trình American Idol được tổ chức lần thứ sáu, Ford cũng cho
trình chiếu các đoạn video ca nhạc độc đáo quảng bá các loại xe của hãng vào giờ
nghỉ giữa chương trình của 11 show cuối cùng và liên kết với website của chương
trình để đưa ra chiến dịch khuyến mại lớn hàng tuần.
Chiêu quảng cáo mới này nhằm mục đích gì? Một phần nào đó, nó có thể giúp các
nhà quảng cáo đối phó được với các phương tiện kỹ thuật mới phổ biến như TiVo,
một thiết bị cho phép người xem truyền hình bỏ qua các quảng cáo trên TV và xem
các chương trình yêu thích mà không bị ngắt quãng. “Việc chuyển quyền kiểm soát sự
lựa chọn các chương trình từ những người thực hiện chương trình sang cho người tiêu
dùng (khán giả) là sự thay đổi lớn nhất trong ngành công nghiệp truyền thông trong
vòng 25 đến 30 năm trở lại đây,” Jeff Gaspin, chủ tịch của Tập đoàn Truyền thông
Quốc tế NBC đã phát biểu như vậy. Điều cơ bản là, các nhà tài trợ đang cho chúng ta
biết rằng thật vô ích khi che dấu, trốn tránh, thoái thác, tua nhanh hay tranh thủ vào
nhà vệ sinh mỗi khi gặp các quảng cáo giữa chừng: rồi họ cũng sẽ túm được chúng ta
theo một cách nào đấy.
Nhưng có thực là họ làm được điều đó không? Liệu tất cả những kế hoạch tỉ mỉ, khôn
ngoan khi tích hợp trực tiếp sản phẩm vào nội dung các chương trình truyền hình có
thật sự xâm nhập được vào khu trung tâm trí nhớ dài hạn của chúng ta, và để lại một
chút ấn tượng nào đó trong đầu chúng ta không? Hay những quảng cáo ấy, như cách
mà tôi thích gọi là quảng cáo kiểu “giấy dán tường – tất cả rồi cũng nhanh chóng bị
quên lãng, mỗi quảng cáo cũng chỉ tương tự như một đoạn nhạc Muzak trong thang
máy? Đó là những gì mà nghiên cứu về bộ não của chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời ở