vực chơi thông qua chiếc điều khiển bằng tay. Sau 17 giờ chờ đợi xếp hàng để mua
được trò chơi trong hệ thống cửa hàng Toys “R” Us ở khu phố của mình, cậu thanh
niên trung học háo hức chạy bổ về nhà với chiếc hộp đựng trò chơi Wii trên tay.
Bây giờ, hầu hết những chủ nhân của bộ trò chơi thời thượng Wii sẽ nín thở để mở
hộp, lắp ráp thiết bị vào TV và chơi thử ngay lập tức, trước khi một hạt bụi kịp dính
vào bộ đồ chơi mới của mình. Nhưng họ không phải là Nick Baily. Trước khi mở hộp
bộ đồ chơi, cậu sắp xếp một máy quay camera, cài một chiếc micrô nhỏ vào áo sơ mi
đang mặc, sử dụng điều khiển camera và bắt đầu ghi hình. Chỉ đến lúc ấy, cậu mới bắt
đầu từ từ bóc tem, mở hộp đựng trò Wii yêu quí.
Khoảng vài tiếng sau, màn “khai trương” bóc tem hộp trò chơi Wii mang đậm chất cá
nhân của Nick đã được tung lên YouTube – và chỉ một tuần sau khi được tải lên, đã có
khoảng 71.000 lượt xem. Có vẻ như chỉ ngồi ngắm nhìn một ai đó tận hưởng thú vui
mở hộp Wii mới cũng khiến cho các fan hâm mộ của Nintendo ở khắp nơi trên thế
giới thấy hạnh phúc khôn tả, như thể chính họ đang mở một hộp Wii mới vậy. Trên
thực tế, hầu hết tất cả các trang web chia sẻ video đều có chung một sứ mệnh làm lan
tỏa niềm vui như vậy; trên trang www.unbox.it.com và www.unboxing.com, người sử
dụng máy tính có thể nhìn thấy những người lạ ở khắp nơi trên thế giới rạch hay xé
bao bì của những vật dụng mà họ mới mua. Theo như giải thích của Chad Stoller,
giám đốc điều hành của công ty thiết kế web Emergin Platforms, trực thuộc hãng
Quảng cáo Organic “Đó là đỉnh cao của sự thèm muốn. Có rất nhiều người ham muốn
có được một cái gì đó mà bản thân họ không thể tự đáp ứng được, và họ chưa có điều
kiện để mua chúng. Họ đang tìm kiếm một cách để thỏa mãn sự thèm thuồng của
mình.” Hoặc có thể chỉ bởi vì các tế bào thần kinh phản chiếu của họ đang hoạt động.
Khái niệm bắt chước là một yếu tố quan trọng trong việc lý giải tại sao chúng ta lại
mua hàng. Đã bao giờ bạn thấy không thích, thậm chí có ý tẩy chay một món đồ, sau
đó một thời gian, bạn bỗng thay đổi quan điểm không? Có thể đó là một kiểu giày mà
trước đó bạn thấy nó thật kỳ cục (ví dụ như giày, dép kiểu đi mưa xù xì của hãng
Crocs chẳng hạn) cho đến khi bạn bắt gặp rất nhiều người trên phố mang đôi giày đó.