"Vậy đáng lẽ bố phải trả lời trong sáng nay rồi chứ."
Thư trả lời những băn khoăn cần tư vấn gửi tới tiệm tạp hóa Namiya
sẽ được bỏ trong hộp nhận sữa vào sáng hôm sau. Đây là quy định do ông
Yuji đặt ra. Chính vì vậy mà ông luôn thức dậy lúc năm rưỡi sáng.
"Không đâu, người gửi có vẻ cũng biết ý vì đã gửi lúc nửa đêm. Trong
thư viết là có thể trả lời chậm một ngày."
"Hừm, thế ạ."
Đúng là chuyện buồn cười. Tại sao chủ một tiệm tạp hóa phải đi giải
đáp băn khoăn của người khác chứ. Dĩ nhiên anh biết nguyên nhân dẫn đến
cơ sự này. Là tại tờ tuần san đến đưa tin. Bởi ngay sau đó thư nhờ tư vấn đã
tăng vọt. Cũng có thư nhờ tư vấn nghiêm túc nhưng phần nhiều là trêu đùa.
Không ít thư rõ ràng là để quấy rối. Đỉnh điểm có một tối, hơn ba chục thư
nhờ tư vấn được gửi đến. Tất cả đều là của một người. Nội dung toàn
chuyện vớ vẩn. Vậy nhưng ông Yuji vẫn định trả lời. Takayuki còn nhớ lần
đó anh đã nói với ông Yuji: "Bố đừng làm thế. Nghĩ thế nào thì đó cũng là
trò đùa mà. Bố mà trả lời hết thì rõ là dở hơi."
Nhưng ông bố già cả của anh chẳng có vẻ gì là rút được kinh nghiệm.
Đã thế, ông còn nói với đầy vẻ cảm thông: "Con đúng là chẳng hiểu gì."
Khi Takayuki nghiêm giọng chất vấn "Con không hiểu cái gì nào?" thì
ông Yuji buồn rầu đáp:
"Dù mục đích là quấy rối hay trêu đùa thì người gửi thư cho tiệm tạp
hóa Namiya về cơ bản cũng giống như những người nhờ tư vấn bình
thường khác. Tâm hồn họ hé mở ở đâu đó, những thứ quan trọng theo đó
mà chảy ra. Bằng chứng là những người như vậy thế nào cũng đến lấy thư
hồi âm. Sẽ đến kiểm tra hộp nhận sữa. Họ rất muốn biết ông già Namiya
này sẽ hồi âm thế nào với bức thư của mình. Con thử nghĩ xem. Dù chỉ là
những câu hỏi vớ vẩn nhưng nghĩ ra được đến ba mươi câu cũng là cả vấn