chữa viết bằng mực đen. Như vậy là ông cụ không sửa ngay khi vừa viết
xong một đoạn, như thói quen viết văn của tôi. Câu: Thật là một cõi thiên
đường của những người chán đời đầu tiên ông cụ viết là thiên đường của
những người yếm thế. Còn câu: Ông ấy chỉ lẳng lặng gật đầu được sửa
thành Ông ấy chỉ gật đầu, không trả lời.
Bên cạnh niên hiệu 1801, có ghi một hàng nhỏ 19-12-52. Đây là ngày Nhất
Linh khởi dịch Đỉnh Gió Hú.
Những dòng chữ đó thật xa. Ông cụ ở đâu vào ngày 19 tháng 12 năm 1952,
khi viết những dòng chữ này?
Sát gần tôi, bên kia cửa kính, là phía sau đầu của một cô gái Mỹ. Cô ngồi
ngửa trên chiếc ghế sắt ở ngoài hiên, đầu ngả sát cửa, chăm chú đọc một
quyển tiểu thuyết. Bàn tay cô đưa lên sau gáy lùa nghịch mái tóc. Những
ngón tay cử động chậm rãi, lơ là. Một ngón tay xoay xoay cuốn tròn lọn tóc
xung quanh ngón rồi bàn tay cô nắm vuốt từ từ kéo xuống phía dưới, lọn
tóc tơ óng ả căng như thỏi kẹo kéo màu bạc trắng một thuở nào ông bán
hàng kéo dài trong tuổi thơ tôi. Năm đó tôi 12 tuổi.
Tôi mở cửa vào phòng ông cụ, một gian buồng nhỏ trong căn nhà của bác
Thụy tôi số 12P đường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Ông cụ viết những
dòng đó trên chiếc ghế vải trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Thảo nào bản
thảo Đỉnh Gió Hú là một tập sách bìa cứng.
Tôi lật xem từng tờ của quyển bản thảo. Bên lề cứ cách mấy trang lại có ghi
những dấu thời gian. 24-12-52, 1-1-53 (10 giờ tối). Bên dưới ngày 5-1-53
lại ghi thêm hàng chữ nhỏ: Thiếu thuốc lá văn vô vị, 4 giờ sáng mua ở đâu
ra, hỡi trời? Dưới đó lại viết: 5 giờ sáng mua được hai điếu của người phu
xe, lại có cà phê ngon của anh Trí. Mấy phút tuyệt hảo.
Thú vị quá! Ông cụ chắc không thể ngờ rằng thằng con ông hơn nửa thế kỷ
sau đã khám phá một cách hứng thú những dòng chữ chua bên lề bản thảo.