sinh sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới kéo nhau lên Đà Lạt, nên trên thực
tế “Gió Hú” của chúng tôi rất ít người ở. Thường xuyên chỉ có mặt ba
người sống lặng lẽ ở đó là ông cụ, chị Thoa và tôi.
“Would you like to try some?”
Tôi ngửng lên. Cô gái Starbucks chìa khay trước mặt tôi. Trên khay có
những miếng bánh được cắt thành hình hộp nhỏ vuông vắn, mỗi miếng có
gắn que tăm. Tôi kẹp tăm giữa hai ngón tay, ngước nhìn cô gái nói cám ơn
rồi tôi cúi xuống tiếp tục đánh máy:
“Tòa nhà của ông Hy lấy tên là Đỉnh Gió Hú: sở dĩ gọi Gió Hú vì
những khi trời bão, gió lồng lộng hú lên trong tòa nhà đó. Trên mỏm
cao ấy chắc quanh năm không khí trong lành. Người ta biết ngay gió
bấc trên đó thổi rất mạnh vì những cây thông cằn mọc ở đầu nhà
nghiêng hẳn về một phía và một dẫy cây gai chĩa cành về một bên như
muốn dướn ra đớp lấy ánh sáng mặt trời. Cũng may tòa nhà xây cất
chắc chắn, cửa sổ hẹp thụt sâu vào tường và có viền đá nhô ra để chắn
gió.”
Đoạn văn trên đây của Emily Bronte khiến tôi liên tưởng đến căn nhà “Gió
Hú” của chúng tôi. Ngoài nhìn vào thì trông như nhà một tầng, nhưng thật
ra là ba. Từ cửa tò vò đi vào là gian chính, gồm một phòng khách thật lớn
và hai buồng ngủ. Ngay sau cửa vào có hai cầu thang, một đi lên, một đi
xuống. Đi lên là gác xép. Đi xuống là nhà bếp. Gác xép là nơi ngủ của bọn
con trai chúng tôi. Khi các anh tôi và các anh con bác Gioãn từ Sài Gòn kéo
lên thì chúng tôi chen chúc nhau ngủ trên đó. Đến khi các anh ấy về lại Sài
Gòn thì tôi ngủ ở đấy một mình.
Những đêm mưa nằm ngửa nhìn lên những cây đà gỗ bắc xiên xuống, tai
nghe rõ từng tiếng mưa đập trên mái ngói và cảm nhận khí lạnh ẩm ướt của
miền cao nguyên theo gió len vào phòng qua các khe hổng nhỏ giữa những
xà ngang. Qua những khe đó vào đêm giông bão tôi nghe cây thông sau nhà
quằn quại đập cành vào cửa sổ gác xép, nơi đó thỉnh thoảng lóe lên một ánh