phải vì tính nó hiền lành, nhưng chỉ vì nó chịu đựng được đau đớn.
Về sau Hy khỏi; bác sĩ nói quyết rằng một phần lớn nhờ tôi, rồi khen tôi
chịu khó săn sóc nó. Tôi hài lòng về những lời khen đó và trở nên rộng
lượng đối với Hy, người đã làm cho mình được tiếng khen. Thế là Hạnh
không còn ai là bạn nữa. Tuy vậy tôi cũng không ưa gì Hy cho lắm; tôi vẫn
tự hỏi không biết đứa trẻ lầm lỳ ấy có thứ gì khiến cụ Yên thích nó đến thế.
Theo chỗ tôi biết, không có một lần nào nó tỏ ý biết ơn ông cụ. Nó không
hỗn sược với người làm ơn cho mình, nó cứ thản nhiên vô tình, mặc dầu nó
biết đã chiếm được tình yêu của người ấy. Nó chỉ khẽ tỏ ý ra là tất cả nhà ai
cũng phải chiều ý nó. Chẳng hạn, tôi nhớ lại một ngày cụ Yên mua một đôi
ngựa cho Hy và Hạnh mỗi cậu một con. Hy lấy con đẹp nhất, không bao
lâu con này què chân. Thấy vậy nó bảo Hạnh:
“Anh cần phải đổi ngựa cho tôi. Tôi không thích con ngựa của tôi nữa. Nếu
anh không bằng lòng tôi sẽ mách ba rằng trong tuần lễ này anh đã đánh tôi
ba lần rồi. Tôi sẽ giơ cánh tay bầm tím đến tận vai để ba xem.”
Hạnh thè lưỡi ra chế nhạo, và bợp tai nó một cái. Nó lùi ra cửa chuồng
ngựa và dằn giọng nói:
“Anh biết điều thì đổi ngay đi, nếu không tôi giơ những chỗ bị đánh này thì
anh bị ốm đòn.”
Hạnh giơ quả tạ dùng để cân khoai và kêu lên:
“Cút đi, đồ chó!”
Hy không động đậy:
“Anh cứ ném đi. Rồi tôi sẽ mách ba rằng anh đã dọa tống cổ tôi ra khỏi nhà
này khi ba mất. Chắc chắn anh sẽ bị đuổi ngay lập tức bây giờ.”
Hạnh ném quả tạ trúng giữa ngực Hy; Hy ngã nhưng lại đứng dậy ngay,
mặt tái mét, người lảo đảo và thở hổn hển. Nếu tôi không ngăn cản thì nó đi
thẳng tìm cụ Yên và không cần nói gì, chỉ để cụ Yên thấy tình trạng nó là
tự cụ đã đoán ngay ai là thủ phạm.
Hạnh nói:
“Ừ thì mày lấy con ngựa của tao đi, thằng chết đường. Tao cầu trời cho nó
quật gẫy cổ mày, thử xem nó lại không đá cho một cái vỡ sọ ra à.”
Trong lúc Hy tiến lên để tháo yên ngựa đổi chuồng, Hạnh đẩy nó ngã dưới