thế? Ừ mà thật, nó ăn mặc tang phục, đích Liên rồi... khổ con bé có thể què
suốt đời.’
Ông Tôn quay về phía Liên, kêu lên:
‘Cậu Hạnh không săn sóc gì đến em gái cả. Tôi thấy ông mục sư nói cậu
Hạnh để em gái sao lãng cả việc đi nhà thờ. Thế còn thằng bé kia, ở đâu ra?
à, à, thôi đích thị là thằng con nuôi mà ông Yên đã nhặt được hồi ông đi Li-
vơ-pun...một thằng nhãi Ấn Độ, một đứa ở Y-pha-nho hay ở Mỹ lạc loài
đến.’
Bà Tôn điểm thêm:
‘Dầu sao cũng là một đứa bé hung tợn, không đáng được ở trong một gia
đình lương thiện. Ông có để ý đến cách nó ăn nói không? Thế mà mình để
các con mình nghe nó nói, có chết người không?’
Tôi lại bắt đầu văng tục, vú ạ. Vú đừng giận nhé! Lũ đầy tớ được lệnh tống
cổ tôi ra ngoài. Tôi kháng cự, không chịu đi một mình để Liên ở lại đó. Lão
kéo tôi ra vườn, bảo tôi cầm cây đèn lồng, ra lệnh bảo tôi đi, rồi đóng cửa
lại. Nhưng màn treo vẫn còn hé mở, tôi đứng nhìn vào; nếu Liên muốn về
mà bọn họ không cho về thì tôi sẽ đập tan cửa kính ra làm trăm nghìn
mảnh. Liên ngồi im ở ghế nệm dài. Bà Tôn lắc đầu vừa nói những câu mà
tôi đoán chắc là những câu nửa khuyên nửa cự gì đó. Liên là con gái nhà
gia thế cho nên bọn họ đối đãi với Liên khác hẳn với tôi. Người hầu gái
đem vào một thau nước nóng và rửa chân cho Liên. Ông Tôn đi pha một
cốc rượu chát, trộn nước chanh đường. Con sa trút cả một đĩa bánh vào
lòng Liên, trong khi đó, thằng Kha tự xa nhìn Liên miệng há hốc, rồi họ
hong và trải mớ tóc đẹp của Liên, xỏ vào chân Liên một đôi giầy “păng-
túp” và đẩy ghế lại gần lò sưởi. Lúc tôi bỏ đi thì Liên vui vẻ hết sức, nó
chia bánh cho chó ăn và véo cả mũi con vện đã cắn nó. Liên đã làm cho
những con mắt xanh mờ xạm của người nhà họ Tôn long lanh sáng lên một
tia sống, và ánh vẻ đẹp thần tiên của Liên đã phản chiếu sang nét mặt họ
một phần nào. Tôi thấy bọn họ ngắm Liên ngây dại vì cảm phục. Liên ở
một bực trên họ cao lắm... cao xa hơn bất kỳ ai trên trái đất này... có đúng
thế không, vú?”
Tôi vừa dọn giường cho Hy ngủ vừa trả lời: