uẩn đến nỗi không ai chịu được. Hình như chàng có vẻ tìm thấy một thích
thú nham hiểm làm vài người quen vốn rất hiếm của chàng ghét sợ hơn là
làm cho họ mến mình.
Mỗi khi Hy được rảnh rỗi, Liên và Hy vẫn gặp nhau. Nhưng Hy không tỏ
tình thương mến của chàng bằng những lời nói nữa. Chàng gạt những cái
ve vuốt ngây thơ của Liên đi một cách giận dữ nghi ngờ, hình như chàng đã
nhận thấy Liên không vui thích gì khi tỏ ý thân mật với chàng như vậy.
Trong cái tình trạng tôi vừa kể trên kia và giữa lúc tôi đang giúp đỡ Liên
trang điểm, Hy bước vào phòng tuyên bố ý định muốn bỏ không làm việc
gì cả. Liên không ngờ anh chàng tự nhiên lại nẩy ra cái ý muốn ngồi nhàn ở
nhà. Tưởng rằng chỉ có mình nàng, Liên đã tìm cách báo cho Kha biết rằng
Hạnh đi vắng và sửa soạn đón tiếp Kha.
Hy hỏi:
“Liên này, trưa nay có bận gì không? Có đi đâu không?”
“Không, trời mưa không đi đâu cả.”
“Sao lại mặc cái áo lụa này? Tôi mong là không có ai đến chơi đấy chứ, có
đúng không?”
Liên lúng túng:
“Em cũng không biết nữa. Nhưng giờ này anh phải ra đồng làm việc rồi
chứ, anh Hy? Ăn cơm xong đã một giờ rồi đấy, em tưởng anh đi rồi.”
“Anh Hạnh không mấy khi là không ám chúng mình. Hôm nay tôi không
làm việc nữa, ở nhà với Liên.”
Liên nói khéo:
“Ờ, nhưng bác Dọi sẽ mách anh Hạnh. Anh đi đi thì hơn.”
“Bác Dọi đương tải vôi ở bên kia núi. Dễ đến tối mới xong việc. Bác ta
không biết đâu.”
Vừa nói Hy vừa đủng đỉnh tiến đến gần lò sưởi ngồi xuống. Liên cau mày
suy nghĩ một lát; nàng tìm cách nói có Kha đến cho đỡ rắc rối.
Sau một phút yên lặng, Liên nói:
“Hai anh em Kha, Sa có nói trưa nay sẽ đến chơi. Nhưng trời mưa em
không chắc họ đến. Nhưng ngộ họ đến, em không muốn anh bị mắng một
cách vô ích.”