thuộc hết mọi thời gian, không gian. Nhưng đó là lý tưởng cần nêu lên làm
đích điểm, còn ở khởi điểm phải chú trọng đến các nét đặc trưng.
Đó có lẽ là sự khác biệt giữa triết học Tây Âu với triết Đông. Triết Đông
phát xuất từ trong nhân gian (kinh thi) un đúc trong lò lịch sử (kinh thư và
Xuân Thu) trong những lối giao liên giữa người với người (kinh lễ). Còn
trái lại triết Tây đặt bên ngoài thời gian, không có lịch sử (xem chữ Thời)
không chú ý đến cụ thể, nên ít ăn nhập vào đời sống. Có người nói giả sử
vất hết triết đi xã hội Tây Âu cũng không mất mát chi cả, hay sự mất mát
chỉ trong vòng hàn lâm nghĩa là chỉ liên hệ đến một số chuyên viên, một ít
học sinh, sinh viên, ngoài ra trong đời sống thì học triết hay không học triết
cũng thế: đàng nào cũng không có hướng cũng thiếu chủ đạo.
Với triết Đông không nói như vậy đựơc vì nếu vất bỏ triết lý của mình thì
xã hội Viễn Đông sẽ mất kỷ cương, đời sống trở thành con thuyền không lái
và trí thức không còn liên hệ chi với quảng đại quần chúng đã thấm nhuần
triết lý nhân sinh từ nhiều ngàn xưa.
Đấy là lý do đầu tiên đủ mạnh để phải lưu tâm đến triết Đông. Huống chi
đứng về phương diện dân tộc mà xét, thì lại khác kiểu xét cá nhân. Cá nhân
thường suy nghiệm trong vòng một trăm năm và nhấn mạnh trên hiện trạng,
mà hiện trạng thì mình thua người nên phải học của người. Còn khi đứng
trên quan điểm dân tộc thì lại lấy từng ngàn năm làm đơn vị, vì dân tộc
cũng như nhân loại gồm cả người chết và người sẽ đến, bao cả dĩ vãng và
tương lai. Hiện tại mình thua người nhưng phải dọn đường cho con cháu
sửa soạn một tương lai đẹp hơn. Đã thế còn tiên tổ mình nữa, đã vị tất các
ngài không có kinh nghiệm để lưu lại cho con cháu dòng tộc.
Trong khi đối chiếu Đông Tây ta mới nhận ra không chỉ có triết Đông mới
kém mà triết Tây cũng có những khía cạnh đó: hay chiều này dở chiều
khác. Do đó không thể chấp nhận toàn bộ kiểu độc chiếm được, nhưng phải
đi lối minh biện: chọn hay bỏ dở, và cái oái ăm là lấy cái hay cũng rất dễ
rước luôn cái dở. Vì cái dở của triết Tây cũng chính là cái hay đã bị đẩy
quá đà. Cái hay của triết Tây là lý trí. Điều đó rất cần thiết, nhưng khi đẩy
quá đà thì lý trí trở thành duy lý đến độ độc chiếm và bóp nghẹt mọi khả
năng khác của con người như tình cảm là một. Cái đó liệu có hợp cho