thần, giữa hữu vi và vô vi nên cần khai triển rộng. Ta hãy lấy lại công án tu
thiền làm khung quảng diễn.
Hữu vi: trước lúc tu thì núi này là núi này. Đây là giai đoạn chủ trương hữu
cách tuyệt đối: mọi cá thể cũng đều tuyệt đối đến độ không có gì liên hệ với
nhau, nên có xấu tốt tuyệt đối, bất di dịch. Đấy là giai đoạn duy hiện tượng
(phénomène), duy vật và các thứ duy khác: tất cả đều thuộc nhị nguyên.
Vô vi: nhưng lúc khởi tu thì núi này không là núi này, không còn chi nữa.
Triết học chỉ còn thấy có bản thể (noumène) hay là hư không, cho nên “tề
vật luận”, tốt xấu như nhau, đó đây không kể, sau trước bất phân: truyền
thống và mọi kinh nghiệm đều vô giá trị. Vô gia đình, vô tổ quốc là hình
thái cực đoan của chủ trương này. Đây là một phản động lại lập trườg hữu
vi, và hiện đang lớn mạnh bên trời Âu và Ấn Độ xô đời sống nhân loại vào
cảnh hỗn mang không còn biết lấy chi làm tiêu điểm. Hay nếu có lấy mình
làm trung tâm quy kết thì lại là thứ mình trừu tượng không liên hệ chi tới
không gian thời gian (lịch sử và quê nước).
An vi: nhưng khi tu rồi thì núi này là núi này, nước chè là nước chè, anh là
anh, em là em, có khác nhau nên có trên có dưới, có trước có sau, có nhân
có quả. Nhưng tất cả trước sau, nhân quả, núi nước, anh em lại chỉ là tương
đối, nghĩa là nằm trong thế giao liên như phần tử của một đại thể. Đây là
giai đoạn cần nhắm tới của con người, một giống lưỡng thê vừa phi không
gian mà cũng lại chịu điều kiện của thời gian không gian. Vừa nhất lại vừa
đa (un-multiple). Nhất đa tương thấu tương nhập. Đã nói đến đa tất phải nói
đến thứ tự phẩm trật trên dưới. Có vậy mới có hòa. Có hòa mới có hợp. Có
hợp mới có sống. Vì thế sau trung phải thêm hòa. Và hòa là biểu tượng của
sự đạt đạo. Trung có hòa mới là đạo thể viên dung. Nói khác chân lý mà
còn có cái chống đối lại thì là chưa hòa, tức là chưa thâu nạp được hết mọi
khía cạnh, thì đó không phải là Chân Lý viết hoa, chân lý căn bổn. Chân lý
căn bổn phải vô biên. Vô biên không thể có đối lập, hễ còn đối lập thì chưa
phải là vô biên chân thực. Vô biên chân thực phải bao dung khắp hết. Triết
lý an vi nằm trong chỗ làm trọn vẹn sự bao dung đó.
Hữu vi vì tuyệt đối hóa một khía cạnh nên khai trừ các khía cạnh khác:
“chấp nhất xả bách”. Vô vi phản động lại bằng vô chấp bất cứ một cái chi.