dụng vào tâm lý thì như vui với buồn, sướng với khổ, tình với lý, sống với
chết, ý thức với vô thức. Đó chỉ là hai cực, hai hướng của cùng một thực
thể, nếu người không “định vị”, không hòa giải nổi cả hai thì sẽ chọn một
bỏ một, chọn lý bỏ tình, chọn ý thức bỏ vô thức, chọn hữu bỏ vô và ngược
lại tức thì là rơi vào nhị nguyên. Muốn đặt thiên địa cho đúng vị, nghĩa là
hòa giải cả hai hạn từ trái ngược đó thì phải đạt điểm trung tâm sâu thẳm
mới đặng, và lúc ấy mới gọi được là “thiên địa vị yên”. Thiên địa chỉ vị yên
nơi Nhân tức là nơi nguyên lý tối hậu ở tâm thức con người. Ngoài trường
hợp đó ra là thiên địa không có vị yên, mà đã thế thì con người không thể
sống hòa vui với mình hay với lân nhân được. Thế giới hiện đại tan hoang
cũng tại có bấy nhiêu, cũng chỉ tại chưa tìm ra một nền chủ đạo biết đặt trời
cũng như đất đúng địa vị nên trời sa đất sụp. Nơi người duy vật thì thiên bất
vị yên, nơi người duy linh thì địa bất vị yên. Những loại triết học đó bao lâu
chỉ được người ta dùng làm cái học hàn lâm vô thưởng vô phạt đã là một
phúc lớn rồi; còn nếu chẳng may mà để nó lên nắm được guồng máy chính
trị thì sẽ gây ra biết bao nhiêu khổ luỵ cho con người, nên luôn luôn bắt con
người đòi xét lại. Nếu không xét lại hoặc xét lại không tới gốc rễ thì luôn
luôn có sự rạn nứt hay đổ bể trong xã hội, như trào lưu triết học duy vật là
một thí dụ rõ nhất đại diện nổi nang nhất trong các loại triết duy.
Những thứ đó chỉ tạo nổi một thứ cán bộ mê muội, hẹp hòi, cuồng tín chứ
không thể cảm hóa con người cách sâu xa, nên sẽ phải dùng đến công an
mật vụ lớp ngoài lớp trong để tránh sự đổ vỡ. Công an chỉ nên dùng ở bình
diện đời sống thường nhật công cộng và trong những luật lệ ước định cần
thiết, để cho xã hội có trật tự an ninh, nay nếu đem dùng cả vào lãnh vực tư
riêng thuộc tinh thần như suy tư, tín ngưỡng, tìm tòi thì vừa xâm lấn vào
những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân, vừa nói lên sự nghèo nàn của
triết lý. Càng dùng nhiều công an, càng tỏ ra triết học rạn vỡ. Một nền triết
lý trung thực không hề nại đến công an, vì nó đủ sức khua động tâm thức
con người, khơi động lên những nguồn tiềm lực thúc đẩy tự nội, khiến cho
người ta tự tình nguyện theo cách hăng say vì coi đó như một sứ mệnh cao
cả vậy.
Về điểm này, ta thấy Nho giáo có một thành tích đáng kể. Từ Phục Hy,