có thể hiểu theo vòng ngoài hiện tượng thì dễ đốc ra tai dị, ma thuật. Nhưng
nếu hiểu theo vòng trong kiểu chính tâm, thành ý, tức đi vào nội tâm để tiếp
cận với mối hội thông linh động của tam tài, thì liền đạt tới thái hòa. Chính
nhờ lối này mà các yếu tố hay của “bách gia chư tử” đã được thâu hóa vào
hệ thống kinh Dịch và làm cho tất cả đều mặc tính chất linh động như ông
Burti nhận xét “triết lý Viễn Đông ngay từ sơ khởi đã nhận một vũ trụ quan
động đích hơn là tĩnh chỉ (a dynamic rather than a static cosmology, Moore.
107). Trong Kinh Dịch vấn đề quan trọng không xoay quanh một bản thể
hay một ý niệm trừu tượng, nhất là vấn đề có hay không nhưng xoay quanh
một tác động là “sinh sinh chi vị dịch” và “thiên địa chi đại đức viết sinh”.
Nói khác là một triết lý động từ: không có xét có trời hay không có trời,
nhưng xét đến tác động mạnh mẽ của trời: “thiên hành kiện” cho nên quân
tử “dĩ tự cường bất tức”. Lấy động từ làm nền móng vững chắc trường cửu
sẽ sống mãi mãi xuyên qua các tổng hợp về sau, chỉ khác nhau ở chỗ tuỳ
thời mà nhấn mạnh khía cạnh này nọ cho thích nghi với hoàn cảnh mới mà
thôi.
Lần tổng hợp thứ hai là thâu hóa Phật giáo, nó đã xảy ra ở Hoa Nghiêm
Tông và mặc cho Phật giáo một sắc thái nhân sinh nên thường gọi là Phật
giáo Tàu (thay vì Phật giáo bên Tàu).
Sắc thái thứ nhất là chủ trương Phật tính có trong hết thảy mọi người do
nhà sư Trúc Đạo Sinh (434) đề xướng, để cho hợp với bình đẳng tính theo
chủ trương “tứ hải giai huynh đệ” và “tính bản thiện” trong Nho giáo. Thực
ra bình đẳng tính đã có trong Phật giáo nhưng nó không vươn lên được do
thể chế xã hội phân chia giai cấp; đàng khác nó còn bị lu mờ theo lối hiểu
thuyết luân hồi cách thông thường. Theo lối hiểu này thì loài người hiện
nay có nhiều người rất xấu như hạng Icchantikas phải tu hành ngàn kiếp
mới đạt giải thoát. Đó là vài lý do cản ngăn Phật giáo Ấn Độ phát triển bình
đẳng tính con người. Vì thế khi Trúc Đạo Sinh đưa ra thuyết bình đẳng
rằng ai ai cũng có Phật tính như nhau… thì bị kết án là rối đạo và bị phạt vạ
rút phép thông công. Tuy nhiên vì Phật giáo không tổ chức mạnh, nên vạ
kia không mấy gây tổn hại cho nhà sư và ông đã hoàn thành được bước đầu
khó nhất để mở đường cho người sau đi tới.