Với Tổ Huệ Năng, Thiền từ bỏ lối siêu hình, lý trí sách vở, chống lại Thần
Tú là tổ đại diện cho dhyana Ấn Độ coi trọng kinh sách tụng niệm. Đây lại
là một bước táo bạo mới để vượt ra khỏi Phật giáo Ấn Độ, vì thế cũng gây
nên những cuộc dao động và người ta hay điển hình hóa bằng những truyền
thuyết là Tổ Huệ Năng phải lẩn trốn đi bao đêm sợ môn phái của Thần Tú
ám hại… Có thể đó chỉ là một lối văn thêu thùa để đặt nổi bật sự kiện triết
lý nhân sinh đã chuyển hóa Phật giáo vốn còn quá nặng tính chất Ấn Độ
nghĩa là quá lý trí, quá tĩnh chỉ. Câu chuyện Tổ Huệ Năng không biết đọc
biết viết cũng chỉ là những chuyện thêu thùa không thật. Vì khi đọc những
bài giảng của Tổ, ta thấy trưng dẫn rất nhiều kinh: Niết bàn, Kim cương,
Lăng già, Liên hoa… Vì thế câu chuyện mù chữ chỉ là bịa đặt ra để nói lên
một sự thật lớn hơn. Đó là Phật giáo chuyển hóa tự vô vi tiến mạnh vào an
vi, tự tĩnh tọa tiến sang thiền. Thiền không còn tại tĩnh cũng không tại tọa,
nhưng tại hành Thiền, nghĩa là nằm ngay trong những hoạt động của đời
sống thường nhật: kín nước, nhặt củi, ăn, ngủ, mặc áo. Nhân đó có thiền
trà, thiền kiếm, thiền cung, thiền làm vườn… Cũng như những gì xa xôi thì
đưa gần vào mình theo lối “đạo bất viễn nhân”… Ở Trúc Đạo Sinh còn là
kiến Phật tính, đến tổ Huệ Năng thì đã thành kiến tính, kiến tự tính. Tam
bảo trứơc kia là Phật, Pháp, Tăng, nay đã trở thành Giác, Chính, Tính…
Đại để đó là ảnh hưởng mà Nho giáo gây trên Phật giáo. Xưa rầy ít học giả
nhận ra nên hay quy vai trò chủ chốt cho Lão. Nói thế chỉ hợp cho thời
Huyền Trang, và đúng với danh từ vì Lão cống hiến cho Phật giáo có hai
yếu tố là vô và tĩnh, nhưng sau cuộc thâu hóa vừa bàn ở đây hai yếu đó chỉ
còn giữ có danh từ, chứ thật chất thì Phật giáo cũng như Thiền tông đã
chuyển theo Nho giáo rất nhiều; vô thường, Thái hư chuyển thành Như Lai,
Chân Như, Tĩnh tọa, toạ thiền trở thành hành thiền.
Lần tổng hợp thứ ba xảy ra đời Tống và kết tinh lại trong hai ý niệm lý khí
đã có trong Kinh Dịch nhưng được quảng diễn và hệ thống hóa do Chu Hy.
Nhiều người cho đó là ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng thực ra chỉ có thể
nói là nhân dịp tiếp xúc hơn là ảnh hưởng, bởi vì nội dung căn bản vẫn là
Nho, nghĩa không đi lối vô vi, mà vẫn chấp nhận sự vật với thái cực “các
hữu thái cực”. Về mặt trí thức Lão Thích ít chú trọng vai trò của tình cảm,