công cộng tan vỡ liền. Đường phải tránh một chiều tay trái hay tay phải: ai
cũng phải tuân theo. Đến 9 giờ tối ai cũng phải vặn radio nhỏ lại, nếu
không sẽ làm mất giấc ngủ người bên và tỏ ra thiếu giáo dục. Việc công
dân ai cũng phải chu toàn v.v... những ích lợi này thiết thực quá không ai
chối cải được nổi và đó chỉ là kỷ luật.
Nhưng khi biến nó thành độc hữu để choán chỗ tinh thần: như suy tư, tín
ngưỡng tự do thì đó là vượt biên giới cần thiết của kỷ luật để biến nó ra
đồng nhất rất tai hại cho con người. Con người là giống lưỡng thê: một
chiều sống trong xã hội còn chiều sâu tinh thần, tình cảm cần được tự do.
Vì thế mà người ta không thể chịu nổi đường lối đồng nhất (massification),
và ngày nay mỗi khi nói đến thống nhất thì phản động tự nhiên là e ngại đề
phóng. Chính vì thiếu nhận thức về thống nhất hoặc vì thống nhất phần
nhiều chỉ có tiếng còn trong thực chất là đồng nhất, nên hễ nói đến thống
nhất thì tất nhiên là chống đối là phản động. Nhưng trong triết lý hễ đã
phản động thì đến 99% là đi sang cực đoan ngược hẳn lại tức đa phương
(pluralisme) với tâm trạng mèo bỏng sợ tro lạnh và do đó dễ đề cao một sự
tự do tuyệt đối bất chấp đời sống thực tại trên bình diện xã hội. Muốn đưa
tự do của tinh thần áp dụng cả vào đời sống cụ thể. Thế là rơi sang cực
đoan khác tuy chống đối lại cực đoan đồng nhất, nhưng cả hai vì là chống
đối nhau, nên cùng ở trên một bình diện nhị nguyên là chọn một bỏ một.
Lấy thí dụ về hòa nhạc mà nói thì đồng nhất bắt mọi người phải cử một bài
theo nhịp của một nhạc trưởng. Từ sự hợp lý đó sẽ đi đến chỗ bắt mọi
người phải dùng một nhạc khí như nhau, thế là quá đáng, liền khởi lên một
phản ứng trái hẳn lại đòi cho mỗi người được tự do sử dụng thứ nhạc khí
ám hợp cho tài năng, sở thích của mình. Đây là một sự hết sức hợp lý,
nhưng từ chỗ hợp lý đó lần sang đến yêu sách đòi mỗi người cử một bài
riêng, theo một tiết điệu tự do. Và thế là trở thành mớ âm thanh hỗn loạn.
Đấy là một hình ảnh cho dễ hiểu, trong thực tế chẳng ai đòi như vậy. Tuy
nhiên trong triết lý lại xảy ra như thế. Nói chung thì khối cộng sản đi theo
lối đồng nhất, khối tự do theo lối đa phương. Còn hòa âm của thống nhất
chưa tìm ra được, hay có rất nhiều nhưng toàn là thống nhất có cái tên, còn
trong thực chất thì là đồng nhất, thí dụ “thống nhất” của Hegel hay của Karl