không sáng tác, kinh tiêu biểu của cổ văn là Xuân Thu Tả truyện có tính
cách ký sự và hợp lý, được Trịnh Huyền bênh vực, và nổi lên từ đời Đông
Hán để rồi lấn át hẳn, khiến kim văn không chỗi dậy nổi nữa, nhất là từ khi
bị những người như Dương Hùng (52 t.d.l - 18 s.d.l) quét sạch những dị
đoan, rồi sau đó Vương Sung viết quyển Luận hành chỉ trích tất cả những
gì mê tín và đả kích Đổng Trọng Thư. Nhờ đó Nho giáo tránh được óc dị
đoan của kim văn và đặt vững vị trí cho cổ văn. Nhưng cái khuyết điểm của
cổ văn là bám vào chữ đen mà không nhìn ra đại đạo của Nho giáo, và do
đó tôi gọi thời kỳ này là giai đoạn Hán hóa, và ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài
suốt hai ngàn năm lịch sử cho tới tận ngày nay giới trí thức Viễn Đông vẫn
chưa nhìn nhận ra được. Vì thế cần khảo cứu thêm.
Nét đặc trưng của Hán học là thủ cựu. Thủ cựu khác với truyền thống. Chỉ
có Truyền Thống khi nhìn ra cái thống kỷ, cái đại Đạo viên dung, làm cho
người học trở thành tự do, tự cường, sáng tạo. Trái lại thủ cựu là luôn luôn
dựa vào thế giá, câu nào cũng phải đưa người xưa ra làm chỗ tựa. Vì thế cái
học chỉ biết dồn hết tâm trí vào việc chú thích kinh văn, và do đó thời Hán
học cũng gọi được là thời Kinh học. Kinh học không dám tư tưởng ra ngoài
vòng kinh điển. Lối học huấn hỗ từ chương này đã đè nặng trĩu trên thi cử:
các khóa sinh bị đóng gồng trong những luật lệ trường ốc khắt khe gọi là
bát cổ, quy định lối thơ 8 chữ, và câu nói nào cũng phải trưng chữ của kinh
sách. Cái lối đóng khung này đã ngăn lấp những tư tưởng độc đáo sáng tạo,
làm khổ những tâm hồn phóng khoáng kiểu Cao Bá Quát, nó đã làm tê liệt
đầu óc các khóa sinh suốt hai ngàn năm mà những cuộc vận động của Tống
nho, Minh nho đã không làm sao lay chuyển nổi, bởi lẽ đó là công cụ dễ dãi
của hàn lâm trường ốc, của nhà cầm quyền chuyên chế, vô tình hay hữu ý
dùng để che lấp cái ý nghĩa cao cả của Nho giáo đầy ắp nhân chủ tính.
Thí dụ như mấy chữ then chốt sau đây.
Trước hết là chữ Trung nền móng của Nho giáo nó có nghĩa là tự lập tự
cường không dựa vào đâu bất kể thế giá hay uy quyền, hoặc ngoại lực nào,
nhưng phải trung thực tín thuận với nội ngã mình, với cái tâm linh ở thâm
sâu lòng mình nghĩa là một nền đạo lý đề cao nhân chủ tính đến hết chỗ có
thể, không thuyết nào đi xa hơn được nữa. Vậy mà trong Hán học lại bị