hiểu thấp hẳn xuống: trung hiểu là nửa nạc nửa mỡ, hoặc cùng lắm thì hiểu
là điều độ trong mọi việc. Do đó đánh mất chữ Hòa mà chỉ còn có chữ Dị
của Dương Chu đề cao cá nhân, hay là chữ Đồng chuyên chế kiểu Pháp gia
hay Mặc Địch nuốt trôi mất phần tư riêng con người.
Hai chữ then chốt đã hiểu thấp xuống như thế thì các chữ khác cũng vậy,
thí dụ “tam cương đạt đức” là trí, nhân, dũng có tầm mức phổ biến lại bị
hiểu tuột xuống “tam cương xã hội” tức là ba giềng mối lớn là vua tôi, cha
con, vợ chồng. Đó là ba mối lớn thực nhưng đã có trong “ngũ thường” thì
cần chi phải thêm tam cương. Sở dĩ Hán Nho đã đặt nổi tam cương là để
uốn nắn cho nhân chủ tính trong Nho giáo lu mờ đi.
Với cương thứ nhất câu sách quan trọng “doãn chấp kỳ trung” đã trở thành
“trung quân” với các câu tháp tùng của nó như “trung thần bất sự nhị
quân”, để rồi đi đến chỗ “quân xử thần tử thần bất tử bất trung”. Những câu
đó có ăn uống chi với Khổng Tử không hết để mình bị nô lệ với nhất quân
hay nhị tam tứ quân, mà chỉ cốt thi hành đạo. Đạo có cần nhị quân thì cứ
nhị quân như chính ông đã bỏ vua nước Lỗ để đi tìm nhị quân và ông đã ca
ngợi Quản Trọng vì đã biết “sự nhị quân” đặng có cơ hội phụng sự dân
nước. (L.N XIV.17)
Ở cương thứ hai chữ Hiếu đã choán mất chỗ chữ Nhân và đè bẹp óc tự chủ
của người con. Lễ gia quan lập ra là để tuyên dương óc độc lập đó bị bỏ lơ
là.
Ở cương thứ ba “vợ thuận” với những nghi lễ hai bên vợ chồng “tương bái”
(Nữ Oa, Phục Hy phân công) bị thay thế bằng “tam tòng”.
Đại để đó là mấy thí dụ nói lên đặc điểm của 2000 năm Hán học, là cái học
làm cho đạo học hóa ra nhỏ, chỉ xem thấy những cái chi li (tai dị của Tây
Hán, huấn hỗ từ chương của Đông Hán, trích cũ tầm chương từ đời Đường
về sau) mà không thấy được cái đạo lý sâu xa. Một đôi thời có vươn lên
nhưng lại thiếu lệch như Tống nho quá thiên sang xuất thế và thanh giáo,
Minh nho cũng chưa thoát hẳn, còn quá nhấn mạnh tâm mà phần “ngoại
vương” chưa đủ lý giải rành rẽ, nên chưa đạt đích. Cho tới Thanh nho thì
bắt đầu gặp gỡ với nền văn hóa Tây Âu. Đây là một yếu tố mới mẻ, chúng
ta sẽ xem nó đã gây ảnh hưởng như thế nào vào nền văn hóa Viễn Đông.