ĐỊNH HƯỚNG VĂN HỌC - Trang 77

Và sau này khi người Viễn Đông sang cầu học với Tây phương cũng vẫn
còn cho danh lý là chìa khóa mở cửa khoa học kỹ thuật và mọi bước tiến bộ
của Tây phương.
Năm 1915 khi Hồ Thích sang du học tại Mỹ ông tin chắc rằng luận lý sẽ là
phương pháp hiệu nghiệm để cứu gỡ nước Tàu khỏi những ràng buộc luân
lý của Khổng Mạnh. Ông cũng hy vọng có thể hạ bệ Khổng bằng cách khai
quật những “triết gia” khác, nhất là Mặc Địch mà ông coi là tang chứng
duy nhất của óc khoa học (Zenker 195). Và ông đã trình bày danh lý của
môn đệ Mặc Địch là Công Tôn Long và Huệ Thi trong luận án tiến sĩ nhan
đề “The development of logical method in ancient China”. Mục đích công
trình này là mong đem lại cho Á Châu một cái gì mới mẻ để có khả năng
tiến mạnh như Âu Châu. Ý tưởng này vẫn còn lẩn quất trong đầu óc phần
đông học giả Đông phương ít ra cho tới nay với những danh từ dialectique,
épistémologie. Điều này chứng tỏ cái học khảo đính của thời đại Hán học
thật là tầm thường nên đã không thấy rằng bên Viễn Đông không thiếu
những nền danh lý rất chi li. Chính Hegel dù chối Đông phương không có
triết học cũng những nhận thấy thế (Lecons d histoire de la philosophie
291). Nhưng có điều Hegel không nhận thấy là bên Viễn Đông “danh lý
học” chỉ là công việc của những lý trí hạng ba dĩ hạ.
Vương Sung có nói mấy lời phê bình danh lý của Mặc Tử như sau:
“Nếu trong biện luận không để cho tinh thần được tinh khiết, ý tưởng được
trong sáng, cẩu thả dùng thí dụ ở ngoài để thiết lập phải trái, tin vào cái biết
kiến văn của giác quan bên ngoài mà không giải thích từ bên trong, thì như
thế là dùng tai mắt để biện chính, chứ không phải nghị luận bằng tâm tư.
Kìa như dùng tai mắt mà biện chứng ấy là phán đoán bằng hình ảnh hư ảo.
Hình ảnh hư ảo dùng làm tỉ hiệu tức là lấy sự sai lầm thực. Vì thế mà phải
trái không thể căn cứ vào tai mắt, phải cần mở tâm thức. Mặc gia nghị luận
không dùng tâm để nghiệm vật mà cẩu thả tin vào tai nghe, mắt thấy, thì dù
bằng chứng hiệu nghiệm có rõ ràng minh bạch, họ cũng thất bại về sự chân
thật. Nghị luận lạc mất sự chân thật thì khó mà giáo hóa người khác được.
Tuy rằng có được lòng dân ngu vì chiều theo ý muốn của chúng, họ cũng
không hợp với tâm người hiểu biết của bậc trí giả”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.