trọng là nắm được mối nhất quán mới là triết.
Sở dĩ ở trên chúng tôi bảo cần phải đọc mấy tác giả hiện đại là vì lý do
hoàn cảnh, tức là cần cho những người đã tiêm nhiễm Aristote, Platon,
Kant, Hegel… Những triết gia này tuy có nhiều tư tưởng quang minh và
nhất là mạch lạc nhưng chứa nhiều yếu tố đã lỗi thời, nếu không đọc mấy
tác giả mới thì khó lòng nhận ra chỗ thiếu sót căn để của họ, rồi tiếp tục coi
họ là những gương mẫu lý tưởng. Vì thế mới cần đọc Nietzsche,
Heidegger… để mà mở mắt. Vì họ Phùng đã không đọc hay đúng hơn có lẽ
đọc nhưng không hiểu nổi mấy tác giả mới nên đã để lại một lỗ hổng đáng
ái ngại trong cái vốn liếng triết học của ông nghĩa là để mất đi một mố cầu
để trở lại với Đông phương, quê hương của minh triết thành thử sự trở về
của ông không đi tới nơi, mặc dầu ông có nói đến then chốt triết Đông nằm
trong chữ phản chữ phục nhiều lần. Nhưng không phải hễ nói đến nhiều tức
hiểu nhiều, trái lại là khác. Chữ phản mà họ Phùng nhăc nhở đến luôn
không phải là thứ phản phục quy tâm, nhưng chỉ là thứ phản phục suy lý
ngắm nhìn bằng tai mắt. Nhất là họ Phùng còn khoái phân tích của triết học
lý niệm và đặt ngang hàng với Vô danh của triết Đông phương thì đủ tỏ họ
Phùng chưa hiểu nổi triết lý, mới vào đợt triết học nên ông bảo triết học là
phải nói lên được! Thế là hoàn toàn bị Tây hóa rồi!
Ông tả điều đó bằng câu chuyện người xưa may mắn gặp tiên. Tiên hỏi:
Ước gì? - Thưa tôi ước được vàng - Tiên liền lấn ngón tay chạm vào đá, đá
hóa ra vàng. Tiên bảo vàng đó, lượm lấy đem về, nhưng người kia không
chịu. Tiên hỏi vậy còn muốn chi nữa? Thưa tôi muốn cái ngón tay của
Tiên! Trong ý họ Phùng: vàng là triết học Tây Âu, ngón tay là luận lý phân
tích, nghĩa là ông nhận cả vàng cả ngón tay ngang hàng với phương pháp
Vô của Đông phương mà ông gọi là tiêu cực đối lại với tích cực của triết
Tây. Ông bảo triết Đông mới nói khía cạnh tiêu cực, nhưng chưa nói tích
cực và chưa phân tích rành rẽ minh xác nên ông xin ngón tay Tiên để bớt
được công chuyên chở vàng nghĩa là khỏi dịch sách Tây y nguyên, nhưng
dùng phương pháp Tây để trở lại phân tích triết Đông. Nhưng tiếng là triết
Đông kỳ thực là duy vật của triết Tây. Ông Demiéville đã hỏi khéo: “họ
Phùng đề cao chữ “phản phục” của Đông phương nên sau thời Khổng học