người đề nghị lấy Nho giáo làm quốc học) trăm nhà đã hợp nhau đấy! Đã
hợp nhau lần vào núi, rừng mà luyện thuốc, tu tiên, để nhường chỗ cho đạo
thuật của các kẻ sĩ ở Trâu Lỗ đấy.” (Nhượng Tống, Nam Hoa Kinh tr.515).
Những lời trên đây phản chiếu một tâm trạng hốt hoảng của giới trí thức
Viễn Đông vì đau xót thấy mình thua kém Tây Âu nên hễ thấy ai hoặc học
thuật nào liên hệ đến tình trạng này thì đều lên án gắt gao. Riêng với vấn đề
thống nhất đang bàn ở đây thì đổ cho ách chuyên chế của Nho giáo. Vụ án
này gây nên do giải thuyết làm việc của một hai học giả Tây phương rồi
được Hồ Thích dựng lên làm như chủ thuyết để truyền bá ra gây ảnh hưởng
vào các người trí thức Viễn Đông. Từ đó mọi người đều lặp lại những ý
nghĩ của Hồ Thích như vừa trưng trên kia: chưa có đủ an tĩnh để xét lại vấn
đề.
Nói rằng triết Đông còn ở trình độ ấu trĩ thì phải nói “ấu trĩ” về phương
diện nào, cần chỉ rõ ra. Vì quả thật có một hai khía cạnh ấu trĩ nhưng hầu
hết là của các Nho gia hạng nhì chứ nếu xét đến những tay tổ thì không ai
dám nói thế, ít ra những nhà nghiên cứu danh tiếng nhất. Bảo triết Đông là
ngây thơ chỉ là việc của những người nghiên cứu nửa vời, rồi được tiếp tay
do những trí thức loại Hồ Thích, toàn dùng phạm trù triết Tây bàn về triết
Đông thì tất nhiên là thấy nó ấu trĩ. Thế rồi thổi phồng vụ án áp chế bách
gia, mà không xét đến các sự kiện lịch sử khác. Chúng ta cần nêu ra ở đây
một hai điểm để độc giả thấy sự làm việc của giới trí thức trước hời hợt như
thế nào. Thí dụ trước hết đạo sĩ vào rừng tu tiên có ngay từ đời Tần và Hán
sơ, nghĩa là lúc đạo Lão còn nắm then chốt của nền văn hóa, chứ không
phải đợi đến lúc “bãi bỏ” bách gia, chư tử không còn đất sống mới phải vào
rừng. Đời Hán đã có hối lỗi vì đạo tiên rồi…
Thứ đến là vụ án do Hồ Thích thổi phồng lên chứ trong lịch sử không có
chuyện ức chế, trái lại tam giáo đồng nguyên mới là chuyện nổi vượt hơn.
Còn chọn đạo này theo đạo kia hoàn toàn do khuynh hướng tư riêng. Thí
dụ: Tống nho, Minh nho, Trình tử, Chu Hy hay Vương Dương Minh có ai
bó buộc họ phải theo đường nào đâu. Trái lại hầu hết đều có nghiên cứu cả
ba đạo giáo và trong chương trình hầu hết đều ghi tử (kinh, sử, tử, truyện)
nghĩa là có dành chỗ cho bách gia. Nếu như nhà nào không đứng nổi là tại