một tập hợp các phần cứng và phần mềm cho phép Bắc Kinh có thể giám sát
và ngăn chặn nhiều phân khúc nội dung mạng rộng lớn. Washington có thể
vô hiệu hóa một hệ thống quan trọng đối với Vạn lý Tường lửa, xem đó như
một lời cảnh báo khiêm tốn và mang tính cá nhân. Thế nhưng, đối với các
lãnh đạo Trung Quốc, những người vô cùng coi trọng khả năng kiểm soát
thông tin mà người dân có thể tiếp cận, hành động của Mỹ có thể bị hiểu sai
thành động thái đầu tiên nhằm thay đổi chế độ.
So sánh với những công cụ chiến tranh mạnh mẽ nhất, đặc biệt là bom hạt
nhân, các loại vũ khí mạng hứa hẹn một mức độ tinh vi và chính xác cao.
Thế nhưng những hứa hẹn như vậy chỉ là ảo tưởng. Quá trình gia tăng tính
kết nối giữa các hệ thống, thiết bị và “vạn vật” tạo ra một hiệu ứng domino.
Vì không thể xác định sự xâm nhập vào một hệ thống có thể ảnh hưởng đến
những hệ thống khác ra sao, bên tấn công có thể cảm thấy khó khăn trong
việc hạn chế những hệ quả do các chiến dịch của họ gây ra, cũng như phòng
tránh sự leo thang không mong muốn. Năm 2016, có 180.000 hệ thống kiểm
soát công nghiệp có kết nối Internet đang hoạt động trên khắp thế giới. Cùng
với sự lan tỏa của thứ gọi là Internet Vạn vật, bao trùm khoảng 10 tỷ thiết bị
trên toàn cầu, số lượng các mục tiêu hấp dẫn đang gia tăng một cách nhanh
chóng. Thiệt hại ngoài dự kiến trên không gian mạng có thể đầy chết chóc
và gây phá hủy không kém gì các cuộc chiến tranh truyền thống. Ví dụ, xâm
nhập và chiếm quyền kiểm soát một mục tiêu quân sự có thể vô tình vô hiệu
hóa một hệ thống mà các tổ hợp y tế hay tài chính đang sử dụng. Trong khi
các chỉ huy mạng ở Mỹ thường xuyên khẳng định Mỹ luôn sở hữu những
“hòn đá” to nhất trong các cuộc tấn công mạng, họ cũng thừa nhận rằng
mình sống trong “ngôi nhà có nhiều kính nhất”.
Trong thập niên 1960, nhà tương lai học Herman Kahn (một trong những
chiến lược gia Chiến tranh Lạnh được phóng tác lại qua nhân vật Tiến sĩ
Strangelove trong bộ phim của Peter Seller) đề xuất một thang đo mức độ
leo thang gồm 44 nấc từ “chuyển động dưới mức khủng hoảng” cho tới
“chiến tranh hạt nhân toàn diện”. Nấc thang đầu tiên của Kahn được gọi là
“khủng hoảng giả mạo” - chính là tia lửa khơi mào cho hành động leo thang.