cuộc thi đấu xem ai có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Một quốc gia, bằng
cách thuyết phục đối thủ của họ rằng mình có thể đưa ra nhiều cam kết hơn
để đạt mục tiêu hoặc dám theo đuổi mục tiêu một cách táo bạo, có thể ép
buộc đối thủ phải cân nhắc - và từ bỏ cuộc chơi.
Một va chạm tình cờ trên biển
Những tia lửa tiềm tàng trông có vẻ tầm thường đến đáng sợ. Gần đây,
các tàu chiến, máy bay của Mỹ và đồng minh đang hoạt động ở một cự ly
gần với các tàu chiến và máy bay Trung Quốc hơn bao giờ hết. Các khu trục
hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch
đảm bảo tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát trong khu vực
tranh chấp ở Biển Đông. Giả sử, khi tiến hành chiến dịch như thường lệ, một
khu trục hạm của Mỹ đi qua gần đá Vành Khăn, nơi mà trên đó Trung Quốc
xây dựng trái phép đường băng cho máy bay, cũng như lắp đặt hệ thống
phòng không và tên lửa. Khi khu trục hạm của Mỹ tiến gần tới khu vực này,
các tàu hải cảnh Trung Quốc bắt đầu quấy rối, giống như những gì họ đã làm
trong sự kiện Cowpens. Tuy nhiên, không giống như cuộc đối đầu Cowpens,
khu trục hạm Mỹ từ chối tránh né (hay không thể tránh kịp lúc), va chạm và
đánh chìm một tàu Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc khi đó sẽ có ba lựa chọn. Lựa chọn hòa bình là
tránh không để căng thẳng leo thang bằng cách cho phép khu trục hạm Mỹ
được rời khỏi khu vực và phản đối hành động của khu trục hạm Mỹ thông
qua các kênh ngoại giao. Ngược lại, chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng
cách tiếp cận trả đũa và đánh chìm khu trục hạm Mỹ bằng máy bay hoặc tên
lửa đặt trên đá Vành Khăn. Thế nhưng, nếu không muốn trở thành “gà”,
đồng thời cũng không muốn căng thẳng leo thang, Bắc Kinh có thể lựa chọn
thứ mà nước này tin là một hướng đi trung dung. Khi khu trục hạm Mỹ đang
cố gắng rời khỏi khu vực, một tàu tuần dương của hải quân Trung Quốc sẽ
chặn đường, khẳng định rằng tàu Mỹ đã xâm nhập lãnh hải Trung Quốc, yêu
cầu thành viên thủy thủ đoàn đầu hàng và phải đối mặt với công lý trước cái
chết của các thành viên cảnh sát biển Trung Quốc.