rơi hàng tá máy bay Mỹ), Angola và Afghanistan (nơi mà các chiến binh
thánh chiến được sự hậu thuẫn của Mỹ bí mật chống lại quân đội Liên Xô).
Trong quá trình tiến hành hình thức chiến tranh mới này, cả hai phía đều
nhận ra rằng xung đột “lạnh” có thể dễ dàng trở thành “nóng”. Để chống lại
rủi ro này, họ đều chấp nhận - chỉ trong thời điểm đó - rất nhiều thực tế
không thể chấp nhận được. Chúng bao gồm sự thống trị của Liên Xô đối với
các quốc gia bị chiếm đóng ở Đông Âu và đối với các chế độ cộng sản ở
Trung Quốc, Cuba và Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, các đối thủ đã dệt nên
một mạng lưới phức tạp các yếu tố ràng buộc lẫn nhau xung quanh cuộc đối
đầu - những ràng buộc mà Tổng thống John F. Kennedy đã gọi là “những
nguyên tắc bấp bênh của hiện trạng”. Ví dụ, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra
một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ, họ đã tiến hành đàm phán các hiệp ước
kiểm soát vũ khí đòi hỏi mức độ minh bạch cao hơn và giúp gia tăng sự tự
tin ở mỗi bên rằng bên kia sẽ không tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân
phủ đầu. Để tránh các tai nạn va chạm giữa tàu chiến hay máy bay, họ đàm
phán để lập các các quy tắc đi lại một cách chính xác trên không và dưới
biển. Theo thời gian, cả hai đối thủ cạnh tranh đều ngầm công nhận nguyên
tắc “ba không” của đối phương: không sử dụng vũ khí hạt nhân; không tiến
hành các hành động phá hoại ngầm lực lượng vũ trang của đối phương; và
không tiến hành can thiệp quân sự vào khu vực ảnh hưởng đã được công
nhận của mỗi phía.
Đối với các sinh viên Mỹ thế kỷ XXI, có lẽ sự ngạc nhiên lớn nhất về
Chiến tranh Lạnh là thực tế rằng Mỹ đã sở hữu một đại chiến lược xuyên
suốt, thống nhất và có sự ủng hộ của cả hai Đảng mà nước này có thể duy trì
liên tục trong vòng bốn thập niên. Hầu hết mọi người có thể nhớ tới chiến
lược “ngăn chặn”. Trên thực tế, Mỹ sở hữu một chiến lược Chiến tranh Lạnh
phức tạp được xây dựng dựa trên ba ý tưởng lớn. Ý tưởng đầu tiên cho rằng
Liên Xô là mối đe dọa mang tính sống còn đối với các lợi ích cốt lõi của Mỹ
- theo nghĩa bóng chính là mối đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia. Dưới
ngọn cờ của hệ tư tưởng Marx - Lenin, các lực lượng Xô viết đe dọa nhấn
chìm các quốc gia chủ chốt ở châu Âu và châu Á, tương tự như các lực